Chưa rõ mặt người, những phụ nữ làng biển Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên- Hà Tĩnh) đã có mặt ở Cồn Gò để "ngước biển". Người thì ngước tàu, thuyền của chồng về nhưng cũng không ít người đi ngước tàu, thuyền người khác để giành từng con tôm, mớ cá bán lại kiếm lời...
Bà Nguyễn Thị Hoà, năm nay 63 tuổi, ở thôn Xuân Nam, tay bưng rổ nhựa đựng cá nói: “Cuộc sống gia đình tôi đều nằm trong cái rổ này cả, từ ăn uống cho đến học hành. Nhờ thế mà 3 đứa con đều đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và trở thành cán bộ nhà nước. Chúng đều làm việc ở miền Nam, cuộc sống ổn định và đỡ vất vả hơn mẹ nó”...
14 tuổi, bà Hoà đã theo mẹ đi gò. Sau đó bà lấy chồng - một thương binh 2/4. Chồng bà không đi biển được, bà cũng đi "ngước biển" không sót buổi nào. Cứ 4h sáng là bà đi, tay cầm một chiếc rổ, ra ngước tàu, thuyền. Có mớ cá, bà kêu thêm khoảng 5 người nữa, rồi chia nhau. Hết mớ này rồi đến mớ khác. Đến tầm 7-8h sáng, khi nắng đã lên, gò tan chợ thì bà về. Giờ con cái đã trưởng thành, bà Hoà đỡ áp lực “cơm, áo, gạo, tiền” hơn nhưng đi ngước biển đã trở thành thói quen của bà. Bà nói: “Hôm lãi nhiều, hôm lãi ít nhưng mà thấy vui, thấy khỏe!”.
Người thì vui vẻ, lạc quan, yêu đời, nhưng cũng có những người phụ nữ chỉ cần chạm vào bằng một câu hỏi là nước mắt họ trào ra. Chị Nguyễn Thị Hoàng ở thôn Phúc Hải là người như thế. Nhìn dáng chị gầy gò chia từng mớ cá, mớ tôm dưới cơn mưa rào nhẹ trong sương sớm, tôi liên tưởng tới hình ảnh thân cò trong 2 câu thơ của Tú Xương thương vợ: “Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước buổi đò đông”...
Người phụ nữ cực nhọc, lam lũ, bươn chải này kể rằng, chồng chị trước đây cũng đi biển nhưng sau đó anh bị suy thận, phải đi chạy thận. Từ đó, chị càng phải bám chặt mỏm đất nơi đầu cửa biển này. Chị không nghỉ chợ cá một ngày, kể cả mưa, gió. “Hồi anh còn sống, phải đi chạy thận 3 lần/tuần nhưng cũng cố gắng đi một mình, vì chị phải bám lấy gò để lo cho cả gia đình. Sau khi anh mất, chị vẫn thế, không thể rời gò buổi nào. Cơm ăn, áo mặc, học hành của 3 đứa con đều trông chờ vào những buổi sớm ra gò của chị. Bán không hết, còn lại mớ nào thì mang lên chợ. Cũng may, 3 đứa con của chị đều ngoan và học giỏi. Đứa đầu nay đã học Đại học Khoa học Huế năm thứ 2.
Với những người phụ nữ vùng biển, biển là ký ức, là cuộc sống hiện tại và cũng là nơi nuôi dưỡng cho tương lai
Cũng có người phụ nữ mạnh mẽ hơn, biết giấu nước mắt vào trong. Chị Nguyễn Thị Tiến, ở thôn Xuân Nam, chồng ốm yếu, không đi biển được, mình chị bươn chải nơi cồn Gò nhưng cũng đã gây dựng nên một cơ sở chế biến nhỏ.
Mỗi ngày, chị thu mua từ 1 - 2 tấn cá để làm nước mắm; mua từ 5 tạ tép để làm ruốc. Khoảng 10 ngày, chị lại đóng từ 1 - 2 tấn ruốc để nhập ra thị trường phía Bắc. Chị nói: “Giờ nghỉ trưa thì đi trở ca, khi trời mưa thì ôm hàng chạy, sáng chưa rõ mặt người lại ra gò để thu mua. Phải tự thu mua, tự chế biến mới kiếm được đồng lời, nếu không thì chẳng ăn thua. May mà có sức khỏe và chịu khó được để mà lo cho con. Nhà có 3 đứa con, đều trông chờ cả vào mẹ”.
Quà của biển
Sáng nào cũng vậy, khi chưa rõ mặt người, mỏm đất nhô ra nơi cửa Nhượng đã xôn xao tiếng người. Lẫn trong những tiếng ồn ào, í ới gọi nhau và cả những tiếng chát chúa bán buôn nơi bến cá là những “thân cò lặn lội”. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi nỗi niềm, mỗi khát vọng nhưng họ đều giống nhau ở nghị lực sống, là sự hy sinh, tần tảo để chăm lo cho gia đình, vun vén cho tương lai con em. Với họ, mỏm đất nhô ra nơi cửa biển này là kỷ ức, là cuộc sống hiện tại và cũng là nơi nuôi dưỡng cho tương lai.
Ảnh: Hương Thành
thiết kế: huy tùng