Chiều muộn, “chia” nốt chồng tài liệu cho các đồng nghiệp mang về nhà để “tiếp tục nghiên cứu”, chị Trần Thị Hải Giang - Trưởng phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản QPPL, Sở Tư pháp, phân trần: “Đây là quyết định của UBND tỉnh liên quan đến lĩnh vực tài nguyên - môi trường, thu hút đầu tư, đòi hỏi phải đối chiếu với rất nhiều tài liệu, văn bản của Trung ương và địa phương. Thời gian gấp mà lượng thông tin cần đối soát quá lớn nên chúng tôi buộc phải làm thêm, “tăng bo” ngoài giờ cho kịp tiến độ”.
Cuối giờ chiều, cán bộ Phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản QPPL vẫn miệt mài "soi" văn bản dự thảo cần thẩm định
Những vất vả này là thường trực với đội ngũ làm công tác thẩm định văn bản QPPL của Sở Tư pháp, nhất là trước mỗi kỳ họp HĐND tỉnh. Theo quy định, các nghị quyết trước khi trình HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao các sở, ngành chủ trì soạn thảo. Sau đó, các đơn vị soạn thảo chuyển cho Sở Tư pháp thẩm định, cho ý kiến hoàn thiện, trở thành văn bản QPPL chính thức trình kỳ họp.
Thông thường, các nghị quyết đều có nội dung rộng, bao trùm lên nhiều lĩnh vực lại “đổ” về cùng lúc. Vì vậy, để thẩm định chặt chẽ, chất lượng là hết sức khó khăn. “Có nhiều văn bản QPPL chỉ mấy trang giấy nhưng chúng tôi phải làm ngày, làm đêm, đọc từng câu, từng chữ với lượng kiến thức cập nhật khổng lồ. Ví dụ như khi thẩm định dự thảo nghị quyết thông qua đề án phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo…, chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian để soát xét, đối chiếu và thậm chí, tổ chức làm việc nhiều lần với cơ quan soạn thảo để có đầy đủ tài liệu, kiến thức chuyên môn cần thiết” - chị Giang cho biết thêm.
Lãnh đạo Sở Tư pháp chỉ đạo Phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản QPPL triển khai công tác thẩm định văn bản QPPL quý 4/2018
Dù không “đổ dồn” cùng lúc nhưng các văn bản QPPL của UBND tỉnh lại được trải đều trong năm, đặc biệt, nhiều quyết định lại liên quan đến một đơn vị, tổ chức nhất định. Vì vậy, đòi hỏi công tác thẩm định phải chi tiết, cụ thể trên cơ sở các quy định liên quan tại thời điểm đó. Thế nên, những người làm công tác thẩm định buộc phải “soi” từng câu chữ, đọc đến thuộc lòng.
Theo quy định hiện nay, việc thẩm định dự thảo văn bản QPPL bao gồm đánh giá về sự cần thiết ban hành, đối tượng, phạm vi điều chỉnh; sự phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật…; tính khả thi của dự thảo văn bản, bao gồm sự phù hợp giữa quy định của dự thảo văn bản với yêu cầu thực tế, trình độ phát triển của xã hội và điều kiện bảo đảm để thực hiện...
Sở Tư pháp làm việc với các ngành liên quan để thu thập thêm thông tin, tài liệu của văn bản QPPL cần thẩm định.
Một trong những yếu tố hết sức quan trọng đảm bảo tính khả thi của văn bản đó là ngôn ngữ sử dụng. Vì những lý do khách quan và chủ quan, một số đơn vị khi soạn thảo đã không chú trọng đến sự phù hợp của nội dung với ngôn ngữ sử dụng và với các chuẩn mực của ngôn ngữ. Đây là một trong những sai sót thường gặp được Sở Tư pháp phát hiện trong quá trình thực hiện chức năng “gác cổng”.
Giám đốc Sở Tư pháp Lê Viết Hồng cho biết: Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã thực hiện thẩm định 43 dự thảo văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh. Thông qua hoạt động thẩm định, phát hiện một số sai sót về thể thức, nội dung, sở đã kiến nghị và được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý nghiêm túc.
“Ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức xây dựng văn bản QPPL của các ban, ngành ngày càng được nâng lên. Nhờ đó, các văn bản dự thảo đạt chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, thẩm định của ngành tư pháp. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển chung, lượng dự thảo văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh cần phải thẩm định ngày càng tăng. Trong khi đó, biên chế, kinh phí, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho công tác thẩm định chưa đảm bảo đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của những người “gác cổng” - ông Hồng nói thêm.