Luật sư Phan Văn Chiều đang tư vấn, giải đáp những thắc mắc của người dân về giải quyết tranh chấp đất đai, chế độ chính sách...
Nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật
Là người từng được các luật sư tư vấn pháp luật, bà Phan Thị Nguyệt (xã Sơn Kim 2, Hương Sơn) xúc động chia sẻ: “Bấy lâu nay, tranh chấp xoay quanh mảnh đất do cha ông để lại khiến anh em trong gia đình không nhìn mặt nhau, bên nào cũng đề cao cái tôi, tình cảm ngày càng nguội lạnh. Sự tư vấn nhiệt tình, chân thành của các luật sư khiến tôi nhận ra nhiều điều, nhận thức những vấn đề pháp luật quy định. Điều này không chỉ giúp hàn gắn quan hệ gia đình mà còn góp phần ngăn chặn các hành vi phạm pháp”.
Trợ giúp pháp lý là một trong những hoạt động thường xuyên của Đoàn Luật sư Hà Tĩnh. 5 năm qua, đoàn đã thực hiện 121 cuộc trợ giúp pháp lý với tổng số 37.000 người tham gia, 3.630 vụ việc các loại. Thông qua trợ giúp pháp lý đã đưa pháp luật gần hơn với bà con và giải quyết tường tận, cặn kẽ những thắc mắc của người dân.
Trợ giúp pháp lý, giới thiệu các văn bản pháp luật mới là hoạt động được Đoàn Luật sư Hà Tĩnh triển khai thường xuyên nhằm giúp người dân có điều kiện tiếp cận với các vụ việc, chính sách pháp lý
Kể từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực đã góp phần tháo gỡ những rào cản cho luật sư. Văn bản pháp luật này đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế và nâng cao vị thế của người gỡ tội. Theo đó, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 đã bãi bỏ giấy chứng nhận bào chữa vốn gây khó dễ cho quá trình hoạt động của luật sư trước đây và thay bằng quy định đăng ký bào chữa. “Tấm vé thông hành” này đã giúp luật sư thuận lợi hơn khi làm việc với cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án để tìm hiểu hồ sơ vụ án và tiếp xúc với bị can, bị cáo.
Sylvester Zazy Nlemonwu (SN 1983, quốc tịch Nigeria, tạm trú tại phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP. Hồ Chí Minh) bị TAND tỉnh Hà Tĩnh kết án 6 năm tù giam về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đây cũng là vụ án có yếu tố nước ngoài được luật sư Hà Tĩnh tham gia bào chữa
Bên cạnh đó, quy định về phòng xử án mới theo Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC của TAND Tối cao được triển khai rộng rãi đã đặt vị trí của luật sư và kiểm sát viên tại phiên tòa ngang nhau nhằm tạo sự công bằng trong quá trình xét xử, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Đồng thời, tăng cường tranh tụng giữa đại diện viện kiểm sát với luật sư để làm sáng tỏ tình tiết vụ án.
Nhiều về số lượng, mạnh về chất lượng
Theo Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Tĩnh Phan Duy Phong, đoàn sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp có hiệu quả để phát triển số lượng luật sư, trong nhiệm kỳ 2018-2023 kết nạp thêm 20-25 luật sư. Trong đó, chú trọng luật sư trẻ, năng động, sáng tạo, giỏi ở lĩnh vực kinh doanh thương mại, kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài và phát triển thêm từ 7 - 10 tổ chức hành nghề luật sư.
Được biết, hiện tại, đoàn có tới 30 luật sư trẻ trong số 40 luật sư (chiếm 75%) và được đào tạo bài bản tại các trường đại học chuyên ngành luật.
CLB Luật sư trẻ Hà Tĩnh trong ngày ra mắt
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Tĩnh Phan Duy Phong cho biết: “Trong nhiệm kỳ này, Ban Chủ nhiệm đoàn luật sư yêu cầu các tổ chức hành nghề luật sư và các luật sư tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp và công dân. Đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp để tiếp cận doanh nghiệp, tiếp cận các vụ việc phức tạp, từng bước nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và giải quyết các vụ việc có hiệu quả”.
Trên cơ sở đó, Ban Chủ nhiệm đã tạo điều kiện để luật sư tham dự các lớp tập huấn chuyên sâu nâng cao nghiệp vụ, tổ chức các cuộc trao đổi học hỏi những luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực giải quyết các vụ án phức tạp, các vụ án có yếu tố nước ngoài; phấn đấu trong nhiệm kỳ xây dựng được 2-3 tổ chức hành nghề và 7-10 luật sư có trình độ năng lực để tham gia giải quyết hầu hết các vụ việc phức tạp.
Ngoài ra, luật sư phải tích cực tham gia các vụ án theo yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng với trách nhiệm cao nhất, cùng các cơ quan tố tụng giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật, hạn chế thấp nhất vụ việc oan sai.
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Tĩnh Phan Duy Phong: Tổ chức hành nghề luật sư và các luật sư cần tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp và công dân; nâng cao kiến thức chuyên sâu trong tham gia giải quyết các vụ án phức tạp, có yếu tố nước ngoài
Cũng theo luật sư Phan Duy Phong, Tỉnh ủy cần cho phép thành lập tổ chức cơ sở Đảng tại Đoàn Luật sư để lãnh đạo hoạt động hành nghề luật sư được thống nhất, hiệu quả. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ, đào tạo để tăng số lượng luật sư theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt; thu hút luật sư trẻ, giỏi ở các lĩnh vực tỉnh cần về hoạt động tại tỉnh nhà.