Các đối tượng được cho là thành viên Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại một nhà tù ở thành phố Hasakeh, miền Đông Bắc Syria ngày 26/10/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Chủ đề hồi hương các phần tử thánh chiến nước ngoài, chủ yếu là là công dân châu Âu, từng tham chiến cho tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tại Iraq và Syria, đã được bàn thảo hơn 1 năm nay kể từ khi liên minh quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu tuyên bố “xóa sổ” tổ chức khủng bố này tại khu vực Trung Đông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump không ít lần hối thúc các đồng minh châu Âu (đặc biệt là Anh, Pháp và Đức) cho hồi hương những công dân nước mình tham gia IS hiện bị giam giữ tại Syria hay Iraq, thậm chí đe dọa Washington “buộc phải thả những tay súng này nếu châu Âu không tiếp nhận”.
Các nước Trung Đông cũng kêu gọi những quốc gia có liên quan phải cùng “gánh vác trách nhiệm”, bởi các tay súng thánh chiến nước ngoài như vậy được xem như những”quả bom hẹn giờ". Tuy nhiên, dường như các quốc gia có công dân tham gia IS ở Trung Đông, đặc biệt là các nước châu Âu, vẫn chưa thống nhất được quan điểm về việc có cho phép số người này hồi hương hay không.
Cuộc họp khẩn của liên minh chống IS vừa kết thúc tại Washington trong bế tắc bởi Mỹ và các nước châu Âu tiếp tục chia rẽ về việc hồi hương các tay súng IS nước ngoài, lên tới khoảng 10.000 người, đang bị giam giữ ở Syria và Iraq.
Cuộc họp khẩn được tổ chức theo đề xuất của Pháp trong bối cảnh sự lo ngại về tương lai của các tù binh trên đang ngày càng gia tăng khi Mỹ chính thức rút quân khỏi miền Bắc Syria. Đây cũng là lần thứ hai liên minh quốc tế này nhóm họp nhằm bàn về “kế sách” tiếp theo trong cuộc chiến chống IS sau cuộc họp đầu tiên cũng diễn ra tại Washington vào tháng 2/2019, phản ứng với quyết định bất ngờ cuối năm 2018 của Tổng thống Trump về việc rút 2.000 binh lính Mỹ từ Syria về nước.
Giống như cuộc họp tháng 2, tại cuộc họp 9 tháng sau đó, đại diện 31 nước thành viên liên minh chống IS cũng không đi đến sự đồng thuận nào về “chương mới” của cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông sau khi Mỹ rút quân khỏi Đông Bắc Syria. Thay vào đó là sự bất đồng và đùn đẩy trách nhiệm giữa Mỹ và các nước châu Âu về việc giải quyết vấn đề tù binh IS đang bị giam giữ tại Syria và Iraq.
Quan điểm của Mỹ là rõ ràng: đã đến lúc châu Âu phải gánh vác trách nhiệm vì phần lớn những tay súng IS người nước ngoài bị bắt giữ hiện nay là công dân châu Âu. Tuy nhiên, các nước châu Âu đã thể hiện thái độ lưỡng lự, né tránh bằng những lý do an ninh ở trong nước và các thách thức về mặt hậu cần.
Chuyên gia Lorenzo Vidino thuộc Đại học George Washington nhận định việc châu Âu từ chối hồi hương nhóm người này xuất phát từ lo ngại về an ninh. Một khi hồi hương các tay súng IS về châu Âu, việc kết tội những đối tượng này để tiếp tục giam giữ sẽ gặp khó khăn về pháp lý bởi họ phạm tội ở nước ngoài, khó tìm đủ bằng chứng để truy tố. Bên cạnh đó là nguy cơ gia tăng các cuộc tấn công khủng bố ngay trên lãnh thổ châu Âu do chính những đối tượng này tiến hành, và sự phản ứng của xã hội châu Âu.
Bản thân Tổng thống Mỹ từng tuyên bố nếu được thả ra, các tay súng IS “sẽ lại gây ra nhiều tai ương trên toàn cầu”. Các chuyên gia từng cảnh báo việc liên minh quốc tế giành lại kiểm soát phần lãnh thổ IS chiếm giữ tại Syria không đồng nghĩa với việc chấm dứt các tư tưởng cực đoan và nguy cơ đe dọa khủng bố của tổ chức này, bởi vậy tìm ra phương án để các tay súng IS được hồi hương sẽ không thể gây ra các hành động tấn công khủng bố sau khi trở về nhà, thực sự là thách thức lớn.
Trong khi đó, các cuộc khảo sát cho thấy nhiều người dân châu Âu không mặn mà với kế hoạch hồi hương chiến binh IS bởi những nguy cơ không thể kiểm soát được. Dư luận nhiều nước cho rằng nếu cho phép các tay súng IS hồi hương, nguy cơ đất nước bị tấn công khủng bố sẽ tăng gấp nhiều lần, đồng thời hoạt động truyền bá tư tưởng cực đoan cũng sẽ gia tăng và trở nên khó giám sát… Chẳng ai dám bảo đảm những tay súng từng bị tiêm nhiễm tư tưởng thánh chiến sẽ không “ngựa quen đường cũ” ở ngay trên đất châu Âu.
Theo số liệu của tổ chức Mỹ The Soufan, trên 1.000 tù nhân IS người châu Âu đang bị giam giữ tại các nhà tù do người Kurd kiểm soát tại Đông Bắc Syria, bên cạnh 1.500 người là thân nhân của những phần tử cực đoan này. Tuy nhiên, con số này chỉ là một phần nhỏ trong tổng số 6.000 người châu Âu đã rời bỏ quê hương đến tham gia thánh chiến ở Syria sau khi IS tuyên bố thành lập cái gọi là “Vương quốc Hồi giáo” tại Mosul, Iraq hồi năm 2014.
Trên thực tế, chính phủ nhiều nước châu Âu trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” đối với vấn đề này. Chính phủ Anh tới nay vẫn “phớt lờ” sức ép từ Mỹ cho rằng những chiến binh nước ngoài của tổ chức IS nên được xét xử ở nơi “các tội ác đã được thực hiện”. Đức công nhận “quyền cơ bản” được trở về nước của công dân, song một sự trở lại sẽ chỉ có thể được thực hiện nếu chính quyền Đức có thể đảm bảo rằng những người này sẽ được đưa ra xét xử ngay lập tức và phải bị giam giữ.
Thụy Điển có khoảng 100 công dân tham gia IS, song lại không muốn hồi hương họ bởi “những công dân Thụy Điển tham gia tổ chức IS đã gây ra tội ác trước tiên phải được phán xét tại các quốc gia nơi họ đang ở”, như tuyên bố của Bộ trưởng Nội vụ Thụy Điển Mikael Damberg. Một thực tế là Thụy Điển hiện chưa có cơ sở pháp lý chặt chẽ trong việc xét xử các phần tử khủng bố, nên nếu cho hồi hương những công dân tham gia IS thì tòa án nước này cũng không có căn cứ để xét xử.
Hồi đầu tháng, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu thực hiện kế hoạch hồi hương các tay súng thánh chiến IS được cho là có gốc châu Âu và bị bắt giữ tại nước này, trong đó có người quốc tịch Đức, Pháp, Bỉ và Ireland. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng nếu thế giới muốn cùng nhau đấu tranh chống khủng bố thì các tất cả các quốc gia phải quản lý chính những đối tượng khủng bố của nước họ.
Mặc dù động thái của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là để gây sức ép với Liên minh châu Âu (EU), bởi việc nhận lại các chiến binh IS sẽ khiến dư luận châu Âu lo sợ, song điều đó cũng cho thấy EU khó có thể chần chừ khi vấn đề đã quá cấp bách.
Pháp đã thương lượng với Iraq về việc xét xử các tù binh Pháp ngay tại quốc gia Trung Đông. Quan điểm của Pháp là nên xét xử các tay súng IS tại những nơi gần nhất có thể - ám chỉ không hồi hương những đối tượng này.
Kể từ đầu năm 2018, tòa án Iraq đã ra phán quyết đối với 514 đối tượng IS là công dân Pháp, trong số này có nhiều trường hợp bị kết án tử hình. Đổi lại, Chính phủ Iraq cũng yêu cầu phương Tây bồi thường tài chính cho các hoạt động giam giữ, xét xử và cung cấp thực phẩm cho số tù binh này. Do đó, các quốc gia châu Âu như Anh, Đức, Bỉ, Đức hoàn toàn có thể đưa ra yêu cầu tương tự với Iraq để giải quyết số phận của 1.000 tù nhân IS công dân những nước này.
Tuy nhiên, tiến trình xét xử một tù binh IS ngốn nhiều thời gian trong khi điều kiện các cơ sở giam giữ tại Iraq còn yếu kém sẽ gây ra gánh nặng đối với một quốc gia còn nhiều bất ổn an ninh và khó khăn như Iraq. Với tình hình này, nguy cơ các tù nhân IS lợi dụng sơ hở về an ninh để trốn thoát và sự hồi sinh của IS từ những “chân rết” có tư tưởng cực đoan này là điều có thể tính tới.
Bên cạnh đó, việc Mỹ tuyên bố rút quân tại miền Đông Bắc Syria, bỏ lại phía sau lực lượng người Kurd, cũng tạo nguy cơ tiềm ẩn trong việc kiểm soát một số lượng lớn tay súng thánh chiến bị giam giữ ở khu vực này. Đó là chưa kể tình hình chính trị tại Syria có thể thay đổi và những nhóm tàn dư của IS đang lẩn trốn để chờ đợi cơ hội trỗi dậy. Chỉ riêng tình hình nhân đạo tồi tệ trong các trại giam giữ tù nhân chật chội và kém an ninh cũng đang gây mối lo ngại lớn. Các chuyên gia cho rằng ngày càng có nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy các trại này cũng là những môi trường thuận lợi để IS hồi sinh.
Rõ ràng số phận của hàng trăm tay súng thánh chiến châu Âu từng chiến đấu ở Trung Đông hiện bị giam giữ ở Syria và Iraq đang đặt ra thách thức lớn đối với EU. Nhiều rủi ro đang rình rập không chỉ với châu Âu mà là cả thế giới từ những “quả bom nổ chậm” này. Đây là vấn đề vô cùng hóc búa vì nếu không xử lý tốt sẽ gây ra những nguy cơ không thể kiểm soát được. Trong khi đó, EU đến nay vẫn chưa có quyết định nào ở cấp độ của khối và vấn đề này thuộc thẩm quyền chính phủ của từng quốc gia thành viên.