Do có mưa suốt ngày hôm qua (27/8) nên anh Nguyễn Tất Việt - chủ máy gặt ở xã Thạch Đài (Thạch Hà) phải ra đồng thu hoạch muộn hơn thường ngày.
So với mấy ngày trước, sáng nay anh Nguyễn Tất Việt - chủ máy gặt ở xã Thạch Đài (Thạch Hà) ra đồng muộn hơn 2 tiếng đồng hồ. Đêm qua anh cũng đã phải cho máy nghỉ cả đêm vì thời tiết gặp mưa lớn, rất khó để xuống đồng do lún sụt.
Anh Việt cho biết: “Cứ chậm 1 tiếng đồng hồ là 1 mẫu ruộng chưa thể thu hoạch được. Sáng nay, dù không mưa nữa nhưng trời âm u nên chúng tôi vừa ra đồng vừa lo lắng. Gặt xong rồi mà lúa không hong phơi được thì vất vả cho bà con nông dân lắm”.
Chân ruộng chỉ mới sau 1 ngày mưa đã lầy lội khiến cho việc di chuyển của máy gặt cũng vất vả hơn.
Hiểu nỗi lòng của bà con vì thế anh Việt lái máy thật chậm, cẩn thận từng đường cua trên cánh đồng để lúa vào trọn lồng gặt. Thời tiết vừa mưa xong, bông lúa ẩm ướt vì thế mà rất dễ bị dính lại máy và theo rơm ra ngoài, gây thất thiệt năng suất trong khi thu hoạch.
Vừa dõi theo từng đường máy trên cánh đồng của mình, ông Hà Văn Anh, thôn Nam Thượng, xã Thạch Đài lại “bốc” điện thoại gọi điện về nhà hỏi thăm xem 3 sào lúa KD18 vừa gặt chiều qua đã được người nhà đổ ra phơi chưa.
“Đi gặt mùa này chẳng khác nào “chạy đua” với trời. Hôm qua, gặt được 3 sào thì mưa lớn, chúng tôi hết chạy mưa trên cánh đồng lại chạy thu gom số lúa đang hong phơi. Nhà tôi còn 5 sào nữa, lúa đã chín 80% rồi nên tôi cho gặt luôn vì vùng đồng này thường xuyên bị ngập lụt, chỉ cần trận mưa lớn là cả cánh đồng ngâm trong nước, nguy cơ mất mùa rất cao” - ông Hà Văn Anh chia sẻ.
Vì nằm ở vùng ngập lụt nên bà con nông dân ở thôn Nam Thượng, xã Thạch Đài lo lắng không yên, phải ôm bì ra đồng ngóng máy.
Sau ngày mưa hôm qua, từ sáng nay ở hầu khắp các địa phương trên toàn tỉnh thời tiết âm u, ánh nắng yếu. Tranh thủ từng chút thời gian, những cánh đồng mùa thu hoạch trở nên gấp gáp, vội vã. Để đảm bảo khoa học nhất, máy gặt được điều tiết theo từng vùng đồng, gặt gọn theo hình thức cuốn chiếu để bà con dễ theo dõi và thu xếp kế hoạch hong phơi sau thu hoạch.
Chị Nguyễn Thị Bình ở xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên) cho biết: “Để phòng mưa bão bất ngờ vào mùa thu hoạch hè thu, chúng tôi đã phải lợp tôn cả khoảng sân rộng làm diện tích phơi lúa. Những ngày mưa và âm u như hai ngày nay thì trau qua gió trong sân, chăm đảo đều để khi có nắng thì đưa lúa ra ngoài trời cho khô khén. Tôi làm 1 mẫu, đến nay đã thu hoạch được 5 sào rồi”.
Công việc thu hoạch lúa của bà con nông dân đang gấp gáp, vội vàng hơn bao giờ hết.
Còn ở những huyện miền núi như Hương Sơn, vùng thượng Kỳ Anh, Vũ Quang…, bà con nông dân lại cơ động bằng những chiếc máy gặt bằng tay. Vào những ngày cao điểm, khó thuê máy thì bà con chủ động nhà nào thu gặt nhà đó. Công việc vất vả vì nhiều công đoạn hơn nhưng đổi lại là chủ động, cứ trời hửng nắng là có thể ra đồng được.
Chị Nguyễn Thị Nhân - thôn Hợp Thắng, xã Hương Minh (Vũ Quang) cho biết: “Thời tiết mùa này chẳng biết thế nào. Hôm qua vừa chạy mưa vừa gặt được mấy sào, sáng nay lại tiếp tục mưa nên phải dừng lại đã. Vụ hè thu nào chúng tôi cũng vất vả hơn vì thời gian thu hoạch bị đứt quãng”.
Ở Vũ Quang, người dân vẫn sử dụng máy gặt tay để thu hoạch những vùng đồng không bằng phẳng, chia cắt vì vậy nhân lực và công sức vất vả hơn rất nhiều.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong những ngày cuối tháng 8, trời sẽ nhiều mây, có lúc có mưa, mưa rào rải rác, có nơi có mưa vừa đến mưa to. Thời tiết này sẽ còn trở lại từ ngày 7 - 10/9 tới, trùng với thời điểm thu hoạch tập trung lúa hè thu năm nay. Thời gian có nắng trong ngày ít dự báo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu hoạch, trau phơi và bảo quản lúa. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nông dân toàn tỉnh đang tốc lực “chạy đuổi”, giành thắng lợi vụ hè thu 2021.