Đến nay, 100% diện tích lạc xuân (32 ha) ở xã Tùng Ảnh (Đức Thọ) đã được gieo trỉa, phát triển được từ 2-3 lá
Vụ xuân 2021, xã Tùng Ảnh (Đức Thọ) gieo trỉa 32 ha lạc. Đến nay, việc gieo trỉa đã hoàn thành 100%. Theo ông Nguyễn Hoàng Quý – cán bộ nông nghiệp xã Tùng Ảnh, vụ lạc xuân năm nay, trời ít mưa, ngày nắng ráo nhiều nên công việc làm đất khá thuận lợi. Đặc biệt, việc làm đất đều bằng máy móc nên rất nhanh, chỉ trong khoảng 3 ngày, toàn bộ diện tịch 32 ha đất trồng lạc trong toàn xã đã làm xong.
Theo khung lịch thời vụ, gieo trỉa lạc xuân sẽ bắt đầu từ đầu tháng 2 và kết thúc trong tháng. Như vậy, việc gieo trỉa lạc xuân sẽ xuyên tết âm lịch. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày qua, một số địa phương ở Hà Tĩnh đã ra đồng gieo trỉa lạc xuân, đảm bảo lịch thời vụ. Một số địa phương như Đức Thọ, Lộc Hà, Hương Khê… đã gieo trỉa từ 23% đến 70% diện tích.
Nông dân xã Đức Lĩnh (Vũ Quang) làm đất gieo trỉa lạc xuân
“Thời tiết vụ lạc xuân năm nay khá thuận lợi cho việc làm đất, gieo trỉa. Đến nay, Đức Thọ đã gieo trỉa đạt 1.000 ha/1.326 ha (đạt 75,4% kế hoạch). Bà con nông dân đang tập trung ra đồng, phấn đấu hoàn thành gieo trỉa 100% diện tích trước tết âm lịch”, ông Nghiêm Sỹ Đông - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ cho biết.
Cùng với Đức Thọ, các địa phương như: Lộc Hà, Nghi Xuân, Hương Khê cũng đã, đang chạy đua tranh thủ thời tiết thuận lợi để gieo trỉa lạc xuân.
Việc làm đất hầu hết đã được cơ giới hóa.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà Võ Tá Bình cho biết, phát huy lợi thế vùng đất pha cát, phù hợp với cây lạc, vụ xuân 2021 Lộc Hà sẽ sản xuất 1.091 ha, chủ yếu tập trung ở các xã ven biển có nhiều thế mạnh như: Thạch Châu với 230 ha, thị trấn Lộc Hà 190 ha, Thịnh Lộc 180 ha, Thạch Mỹ 150 ha, Bình An 150 ha… Đến nay, toàn huyện đã gieo trỉa đạt hơn 30% diện tích và phấn đấu gieo trỉa hoàn thành trước tết Nguyên đán.
Lạc là một trong những cây trồng cạn khá phù hợp về đều kiện canh tác trên nhiều địa phương ở Hà Tĩnh và hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần so với trồng lúa. Một số địa phương có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp cho cây lạc và có diện tích lớn như: Nghi Xuân (1.863 ha), Hương Khê (1.500 ha), Đức Thọ (1.326 ha)… Hà Tĩnh đưa phấn đấu diện tích gieo trỉa đạt trên 11.111 ha, năng suất bình quân trên 26 tạ/ha, sản lượng đạt trên 30.264 tấn trong vụ xuân 2021.
Đến nay, Hương Khê đã gieo trỉa được 350 ha/1.500 ha (đạt 23,3% kế hoạch)
Bà Hồ Thị Thủy - Trưởng phòng Bảo vệ thực vật - Thanh tra (Chi cục Trồng trọt & Bảo vệt thực vật tỉnh) cho biết, đến ngày 3/2, diện tích lạc gieo trỉa toàn tỉnh là 2.830 ha/11.111 ha (đạt 25,47% kế hoạch); trà gieo trỉa sớm đã phát triển ở giai đoạn 2 - 3 lá. Hiện nay, bà con tiếp tục gieo trỉa, phấn đấu kết thúc trong tháng 2/2020.
Theo bà Hồ Thị Thủy, dự báo tình hình sâu bệnh hại, đặc biệt là sâu xanh, sâu khoang sẽ gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng của cây lạc, cao điểm gây hại từ cuối tháng 3 đến hết tháng 4 vào thời kỳ lạc ra hoa, đâm tia - phát triển quả.
Dự báo tình hình sâu bệnh hại, đặc biệt là sâu xanh, sâu khoang sẽ gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng của cây lạc, cao điểm gây hại từ cuối tháng 3 đến hết tháng 4.
Cùng đó là bệnh héo rũ gốc mốc đen, mốc trắng, mốc xám... phát sinh, phát triển thuận lợi trong điều kiện nhiệt độ trung bình, ẩm độ cao, gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng của cây lạc, cao điểm gây hại từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3, trùng vào giai đoạn lạc 2 - 3 lá đến phân cành. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện độ ẩm cao, trời âm u, sương mù nhiều.
“Bên cạnh chỉ đạo gieo trỉa đúng lịch thời vụ, cán bộ nông nghiệp cơ sở cùng bà con nông dân cần cập nhật thời tiết, theo dõi, bám sát đồng ruộng để phát hiện và có những giải pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời”, bà Hồ Thị Thủy khuyến cáo.