Hương Khê là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa lũ vừa qua. Nước lũ rút, bà con nông dân huyện miền núi đang từng bước sắp xếp, ổn định cuộc sống; đồng thời tranh thủ những ngày nắng ráo ra đồng tổ chức sản xuất, làm lại vụ đông.
Nông dân xã Hương Bình (Hương Khê) sản xuất lại vụ đông sau mưa lũ.
Hương Bình (Hương Khê) là xã thấp trũng với 100% thôn xóm bị ngập sâu trong đợt mưa lũ vừa qua, gây đảo lộn cuộc sống và ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Ông Đặng Quốc Bảo - Chủ tịch UBND xã Hương Bình cho hay: “Mưa lũ đã gây hư hỏng hơn 5 ha ngô vừa xuống giống, 4 ha ngô lấy hạt và ngô sinh khối đang kỳ phát triển bị đổ ngã cùng nhiều diện tích rau màu trong vườn hộ bị lũ nhấn chìm. Hiện nay, thời tiết nắng ráo, chính quyền địa phương đang động viên bà con tích cực bám đồng, cải tạo đất, bón phân, xuống giống, cố gắng không “trễ” lịch thời vụ".
Cùng với Hương Bình, các địa phương còn lại của Hương Khê cũng đang “tốc lực” khôi phục sản xuất sau mưa lũ. Ông Nguyễn Trí Đồng – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê cho biết: “Ngập lụt trên diện rộng gây hư hỏng gần 170 ha ngô, khoai lang và rau các loại. Hiện nay, nước lũ đã rút, chính quyền địa phương đang tuyên truyền bà con ra quân làm lại vụ đông. Chúng tôi mong tỉnh nghiên cứu chính sách hỗ trợ giống, phân bón để bà con nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống”.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân huyện Can Lộc cũng đang nhanh chóng tổ chức lại sản xuất. Những ngày qua, từ sáng sớm, gia đình bà Nguyễn Thị Xoan (thôn Lồng Lộng, xã Thuần Thiện, Can Lộc) lại nhanh chóng ra đồng “giải cứu” hành ống sau mưa.
Gia đình bà Nguyễn Thị Xoan (xã Thuần Thiện, Can Lộc) chăm sóc hành ống sau đợt mưa lớn.
Bà Xoan xót xa: “Số diện tích mới xuống giống gần 10 ngày bị ngập nước, nắng lên thối rễ, nguy cơ chết hàng loạt nên chúng tôi đành phải nhổ bỏ và đầu tư trồng mới 100%. Còn đối với diện tích hành ống gần đến kỳ thu hoạch bị ngâm nước, nay đã xuất hiện tình trạng lá vàng úa. Sau khi dẫn nước ra khỏi ruộng, vợ chồng tôi đang vùn luống, xới lại để đất khô, tơi xốp và đầu tư bón phân chuồng, phân lân, kali... nhằm tăng sức đề kháng cho cây".
Hiện nay, các hộ dân trên địa bàn xã Thuần Thiện đều tốc lực khôi phục lại số diện tích hành ống, hành tăm bị mưa lũ gây hư hại. Ông Nguyễn Nam Vũ - Phó Chủ tịch UBND xã Thuần Thiện cho hay: “Vụ đông năm nay, địa phương trồng 55 ha hành lá và 5 ha hành ống tập trung. Mưa lớn khiến khoảng 50% diện tích cây trồng bị giảm năng suất, chất lượng. Thậm chí có những khu vực ở các thôn sâu trũng như: Phúc Sơn, Liên Sơn... mất trắng do cây bị ngâm nước lâu ngày. Tranh thủ thời tiết nắng ráo, chính quyền địa phương đang vận động Nhân dân tăng cường bám đồng, triển khai các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại”.
Được biết, ngoài Thuần Thiện, các xã Thiên Lộc, Vượng Lộc (Can Lộc) cũng đã chủ động triển khai sản xuất các loại rau vụ đông, đảm bảo “khép” diện tích theo kế hoạch 195 ha. Cùng với khôi phục diện tích bị hư hỏng do mưa lũ, huyện cũng chỉ đạo các địa phương vùng trà sơn Can Lộc tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, động viên Nhân dân xuống giống ngô các loại theo cơ cấu.
Theo kế hoạch, vụ đông năm 2023, toàn tỉnh sản xuất 11.890 ha ngô, rau, khoai lang.
Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, tính đến ngày 6/11/2023, diện tích gieo trồng các cây trồng vụ đông toàn tỉnh đạt 5.676/11.890 ha (47,7% kế hoạch). Cụ thể: ngô lấy hạt 1.614 ha/4.259 ha (đạt 37,9% kế hoạch); ngô sinh khối 95 ha/1.649 ha (đạt 5,8% kế hoạch); rau các loại 2.991 ha/4.524 ha (đạt 66,1% kế hoạch); khoai lang 976 ha/1.458 ha (đạt 66,9% kế hoạch).
Ông Phan Văn Huân - Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết: "Từ ngày 28 - 31/10/2023, đợt mưa lớn đã ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt. Để khôi phục cây trồng sau mưa lũ, tiếp tục tổ chức vụ đông 2023, các địa phương cần đốc thúc bà con tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tập trung chỉ đạo sản xuất theo kế hoạch đề ra.
Các địa phương cần ưu tiên sản xuất các loại rau ngắn ngày, tận dụng quỹ đất gieo trỉa ngô sinh khối để phục vụ thức ăn chăn nuôi gia súc trong mùa mưa rét. Ngoài ra, chủ động thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo kịp thời, chính xác các đối tượng sâu bệnh hại trên cây trồng như: sâu keo mùa thu hại ngô, nhóm sâu ăn lá, bọ nhảy, rệp hại cây rau... để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả".