Vụ hè thu năm nay, gia đình anh Nguyễn Hữu Trọng (thôn Kim Ngọc, xã Thạch Châu, Lộc Hà) gieo thẳng gần 8 sào ruộng với các giống chủ lực như VNR20, Khang Dân, Nếp 98... Kỳ xuống giống thuận lợi, hoàn thành sớm hơn các năm trước từ 5 - 6 ngày nhờ nguồn nước đảm bảo. Vì thế, thời điểm này, anh Trọng đã bắt đầu tỉa dặm để đảm bảo mật độ lúa theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.
Anh Trọng chia sẻ: “Sau gieo cấy, thời tiết khá mát mẻ, có xuất hiện mưa dông nên lúa bén rễ, phát triển rất nhanh, bởi vậy, tôi không phải tốn quá nhiều thời gian để tỉa dặm, chắc ít ngày nữa là xong. Chúng tôi cũng chú trọng điều tiết nước vào chân ruộng từ 2 - 3 cm, chuẩn bị bón thúc đợt 1".
Để đảm bảo sự sinh trưởng của cây lúa ngay từ đầu vụ, huyện Lộc Hà đã chủ động chia ra các vùng lớn để điều tiết nguồn nước hợp lý, thuận lợi đến từng chân ruộng. Nông dân cũng đang tập trung ra đồng để nước về tới đâu, lấy tới đó, phục vụ tốt nhất quá trình lúa đẻ nhánh thì bón thúc.
Trên các cánh đồng của xã Thạch Trị (Thạch Hà), những ngày qua, bà con cũng tích cực bám đồng tỉa dặm, phòng trừ sâu bệnh hại lúa đầu vụ. Chị Trần Thị Đào (thôn Hồng Dinh, xã Thạch Trị, Thạch Hà) cho hay: “Nông dân ở đây thường gieo cấy sớm hơn lịch thời vụ của tỉnh để tận dụng nguồn nước tự nhiên nên tôi đã sắp hoàn thành tỉa dặm. Đợt này, thời tiết chuyển sang nắng nóng nên bà con thường tranh thủ ra đồng từ sáng sớm hoặc sau 16h chiều đến chập tối để tránh cái nắng bỏng rát, làm việc được năng suất hơn".
Cách đó không xa, anh Nguyễn Tuấn Bá đang thăm đồng, theo dõi sự phát triển của sâu bệnh. Anh Bá thông tin: “Gia đình tôi sản xuất 5 sào nên cơ bản đã tỉa dặm xong. Đợt này, lúa bắt đầu phát triển mạnh bộ lá non, trở thành đối tượng tấn công của nhiều loại sâu bệnh như bọ trĩ, ốc bươu vàng, sâu cuốn lá nhỏ... nên mình không được chủ quan”.
Cùng với nông dân xã Thạch Trị, bà con các xã, thị trấn ở huyện Thạch Hà tập trung tiến hành làm cỏ bờ, tỉa dặm, bón thúc đợt 1 trên diện tích hơn 7.500 ha lúa các loại. Theo ông Nguyễn Văn Duy - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà, vụ hè thu, địa phương chủ yếu sử dụng các nhóm giống chủ lực như: Khang Dân 18, Khang Dân đột biến, Bắc Thịnh, BT09, Nếp 98, Thiên Ưu 8, BQ, HT1, Xuân Mai, Hà Phát 3… Huyện đang phối hợp với các công ty thủy nông chủ động đưa nước về các vùng sản xuất qua hệ thống kênh mương thủy lợi kiên cố và thông suốt để cây lúa sinh trưởng ổn định trong giai đoạn này; có kế hoạch đắp bờ giữ nước tại các chân ruộng và tạo nguồn ở các công trình khác để phục vụ chống hạn khi cần thiết.
Hiện nay, cây lúa đang trong giai đoạn phát triển, có nhu cầu cao về nước tưới và dinh dưỡng. Vì thế, Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh đã chỉ đạo các công ty thủy nông có phương án điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm về các vùng tưới. Đồng thời, chủ động tích trữ nước tại các hồ, đập, công trình thủy lợi nhằm đảm bảo nguồn nước ổn định cho các đợt tưới dưỡng tiếp theo.
Theo đó, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã mở tưới đợt 2 từ ngày 4/6, tăng lưu lượng tưới trên tất cả các công trình. Hiện nay, hồ Kẻ Gỗ đang mở với lưu lượng 24 m3/s; hồ Thượng Tuy 2 m3/s, hồ Sông Rác 9 m3/s…
Đối với diện tích Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Bắc Hà Tĩnh, đã mở tưới dưỡng đợt 2 từ đầu tháng 6, ưu tiên tưới vùng xa, cao trước; tổ chức ép nước về các xã cuối kênh đảm bảo sản xuất. Đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức chia sẻ nguồn nước, thường xuyên thu vớt rác, bèo, tạo dòng chảy thông thoáng để bơm tối đa nước tưới về ruộng.
Nhờ cơ bản hoàn thành gieo cấy trước 10/6, hiện nay, nhiều diện tích lúa hè thu trên địa bàn tỉnh đang bước vào thời kỳ phát triển, đẻ nhánh. Đây cũng là thời điểm các công ty thủy nông bắt đầu mở nước tưới dưỡng đợt 2. Do vậy, bà con nông dân cần tận dụng tối đa nguồn nước cấp về từ hệ thống kênh, mương; lấy nước xấp xỉ 3 - 4 cm, tiến hành tỉa dặm cho lúa, đảm bảo mật độ phân bố để giúp cây đẻ nhánh; theo dõi quá trình sinh trưởng, tiến hành bón thúc đợt 1.
Thời điểm này, lúa phát triển mạnh mẽ bộ lá, trở thành đối tượng tấn công của một số loại sâu bệnh đầu vụ như bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, sâu keo… nên bà con cũng cần chủ động theo dõi đồng ruộng, áp dụng các biện pháp phòng trừ sớm; cẩn trọng với nạn chuột phá hoại...
Ông Nguyễn Trí Hà
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh