Khi nông dân xã Nam Phúc Thăng bắt tay thu hoạch với niềm vui được mùa thì người dân xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh) lại tái sản xuất cây dược liệu sau một năm ngừng nghỉ để cải tạo đất.
Tổ hợp tác Phú Quang (thôn 5 - xã Nam Phúc Thăng - Cẩm Xuyên) đang tập trung thu hoạch mã đề
Nông dân Nam Phúc Thăng được mùa mã đề
Mặc cho cái nắng bỏng rát của ngày hè, các thành viên tổ hợp tác Phú Quang (thôn 5 - xã Nam Phúc Thăng) vẫn hăng hái ra đồng thu hoạch dược liệu. Những bông mã đề trĩu hạt mang đến niềm vui được mùa cho nông dân.
Bà Nguyễn Thị Tuệ - xã viên tổ hợp tác Phú Quang phấn khởi: “Thời điểm này năm ngoái, gió Lào đến sớm, khiến cây mã đề héo dần rồi khô, thời gian thu hoạch bị rút ngắn, năng suất thấp. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên bông mã đề nhiều hạt, năng suất cao, đạt tầm 6-7 yến/sào. Tính ra, mỗi sào mã đề cho giá trị khoảng 6 triệu đồng/vụ (trồng trong 4 tháng), cao hơn nhiều so với trồng lúa”.
Năm nay, mã đề cho năng suất cao
Bà Trần Thị Huệ - Tổ trưởng tổ hợp tác Phú Quang cho biết: “Cánh đồng dược liệu tập trung của tổ hợp tác gần 1 ha. Hiện bà con đang thu hoạch, dự kiến 10 ngày nữa sẽ xong.
Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất sạch, nói không với thuốc cỏ nên chất lượng của hạt mã đề được Công ty CP Dược Hà Tĩnh đánh giá cao. Việc liên kết giữa người dân với doanh nghiệp khá suôn sẻ, hạt mã đề được bao tiêu với giá 90 ngàn đồng/kg”.
Sau khi thu hoạch, ích mẫu phơi khô được thu mua với giá 20 ngàn đồng/kg
Ngoài mã đề, tổ hợp tác Phú Quang còn trồng cây ích mẫu và cũng cho thu hoạch vào thời điểm này. Ích mẫu phơi khô được công ty thu mua với giá 20 ngàn đồng/kg.
Ông Hoàng Kim Túy – Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phúc Thăng cho biết: “Dược liệu là loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây, cho hiệu quả kinh tế khá cao. Để phát triển vùng nguyên liệu, địa phương luôn hỗ trợ người dân trong quá trình sản xuất. Vừa rồi, xã đã đầu tư mới 5 máy bơm nước để phục vụ công tác tưới tiêu cho bà con”.
Cũng theo ông Túy, chính quyền sẽ làm việc với doanh nghiệp, nắm chắc tình hình, mở rộng diện tích trồng dược liệu, nâng cao thu nhập cho người dân.
Lãnh đạo xã Cẩm Vịnh kiểm tra cánh đồng kim tiền thảo của HTX Sản xuất rau an toàn
Nông dân Cẩm Vịnh tái sản xuất cây dược liệu
Năm 2019, các hộ liên kết tại xã Cẩm Vịnh tạm ngừng sản xuất dược liệu để cải tạo đất sau nhiều năm khai thác. Bà Nguyễn Thị Văn – Giám đốc HTX Sản xuất rau an toàn xã Cẩm Vịnh chia sẻ: “Tháng 3/2020, HTX tái khởi động lại chuỗi liên kết, xuống giống 1 ha kim tiền thảo. Với quy trình chăm sóc khoa học, đến nay, kim tiền thảo đã phát triển tốt, dự kiến cuối tháng 6 sẽ cho thu hoạch. So với trồng lúa, kim tiền thảo cho giá trị cao gấp 3 lần, khoảng 7-7,5 triệu đồng/sào/vụ”.
0,5 ha cây xạ can được trồng tại vườn hộ của các thành viên HTX Sản xuất rau an toàn xã Cẩm Vịnh
Ngoài sản xuất kim tiền thảo tập trung, các xã viên của HTX Sản xuất rau an toàn xã Cẩm Vịnh còn trồng cây xạ can tại nhà với tổng diện tích 0,5 ha. Sau 2 năm trồng, củ xạ can được doanh nghiệp bao tiêu với giá 40 ngàn đồng/kg.
Dược liệu trồng trên đất Hà Tĩnh là nguyên liệu quý để Công ty CP Dược Hà Tĩnh sản xuất nên các loại thuốc tốt
Những năm qua, Công ty CP Dược Hà Tĩnh đã xây dựng được vùng nguyên liệu tại chỗ, thuận tiện cho quá trình sản xuất. Do người dân tuân thủ khá tốt hướng dẫn của ngành chuyên môn nên dược liệu trồng trên đất Hà Tĩnh phát triển tốt, sản phẩm cho hàm lượng hoạt chất cao.
Ông Võ Đức Nhân - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Hà Tĩnh cho biết: “Mã đề, kim tiền thảo, xạ can… là những nguyên liệu quý để sản xuất nên các loại thuốc đảm bảo chất lượng, được thị trường đón nhận rộng rãi như: Thuốc cốm trị sỏi thận, sỏi mật Sirnakarang, viên ngậm thông phế Hadiphar. Hai sản phẩm này năm 2019 được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh”.