Chị Lê Thị Vân ở thôn Đồng Sơn, xã Mai Phụ (Lộc Hà) ra đồng cấy lúa xuân.
Ảnh hưởng không khí lạnh đã kéo theo từng đợt mưa khá nặng hạt, thế nhưng, sáng nay, chị Lê Thị Vân ở thôn Đồng Sơn, xã Mai Phụ (Lộc Hà) cùng nhiều nông dân trong thôn vẫn ra đồng, quyết tâm cấy hết diện tích lúa xuân còn dang dở.
Vụ xuân năm nay, gia đình chị Vân gieo cấy 5 sào, trong đó diện tích cấy 3 sào. Do đặc thù địa hình ruộng sâu trũng, phụ thuộc hoàn toàn vào nước tưới tự nhiên nên toàn bộ diện tích ruộng của chị Vân cũng như người dân trong vùng phải cấy các loại giống lúa dài ngày như NX30, Xi23.
Cùng với chị Vân, nhiều nông dân trong thôn Đồng Sơn, xã Mai Phụ ra đồng cấy lúa vụ xuân 2022.
“Gia đình tôi và các hộ dân trong thôn bắt đầu xuống đồng cấy lúa từ 2 ngày nay. Nhờ chuẩn bị tốt khâu làm đất, bắc mạ cùng với mấy ngày qua có mưa nên đồng ruộng đủ nước, việc cấy lúa khá thuận lợi. Dự kiến trong ngày hôm nay, chúng tôi sẽ hoàn thành 100% diện tích cấy” - chị Vân cho hay.
Nông dân xã Hồng Lộc nhổ mạ chuẩn bị cấy.
Từ xã Mai Phụ, những cánh đồng của các xã Thạch Mỹ, Tân Lộc, Hồng Lộc (Lộc Hà)... cũng đã được phủ đầy sắc xanh của lúa mới. Ở một số nơi, bà con nông dân cũng tranh thủ kiểm tra nương mạ, thực hiện quy trình “luyện mạ” lần cuối để chuẩn bị xuống cấy.
“Chúng tôi đã tuân thủ quy trình kỹ thuật khi bắc mạ, đặc biệt là che phủ ni-lông để vừa chống chuột phá hại, vừa chống rét cho mạ. Nhờ đó, đợt rét này cây mạ vẫn phát triển tốt, khoảng 2 ngày tới là chúng tôi sẽ xuống đồng cấy hết diện tích” - bà Nguyễn Thị Lan, nông dân xã Thịnh Lộc cho biết.
Tại các xã Thịnh Lộc, Bình An…, hầu hết đồng ruộng đều được che phủ ni-lông chống rét cho mạ.
Trong khi đó, ở một số xã của huyện Nghi Xuân như: Cổ Đạm, Cương Gián, Đan Trường, Xuân Hội, thời vụ cấy lúa đã đến từ nhiều ngày trước. Đây là những địa phương không chủ động được nguồn nước tưới, hầu hết diện tích ruộng phải cấy. Đến thời điểm hiện nay, Nghi Xuân đã hoàn thành 90 ha diện tích lúa cấy.
Đến thời điểm hiện nay, Nghi Xuân đã xuống cấy hơn 90 ha lúa xuân 2022.
Mùa gieo cấy đã vào giai đoạn tập trung, trên những cánh đồng rộng lớn của huyện Can Lộc, bà con nông dân hối hả ra đồng vừa làm đất, vừa gieo cấy lúa.
Vụ xuân 2022, Can Lộc đặt kế hoạch gieo cấy 9.335 ha lúa. Trên đà thắng lợi vụ sản xuất 2021, ngay từ đầu vụ, Can Lộc đã tập trung cao cho phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để gieo cấy lúa đúng lịch thời vụ. Đến nay, toàn huyện đã gieo cấy gần 1.700 ha (đạt 18% diện tích), trong đó trên 95% diện tích gieo thẳng.
Tại Can Lộc, hầu hết diện tích lúa được gieo thẳng.
Bà Trần Thị Liên ở tổ dân phố 7, thị trấn Nghèn cho biết, vụ xuân năm nay, gia đình làm 3 sào. Toàn bộ diện tích lúa gieo thẳng nên chỉ mất 1 ngày là hoàn thành. Nhờ khâu làm đất được thực hiện hoàn toàn bằng máy và nước về ruộng đầy đủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho gieo cấy.
“Vụ xuân 2022, Can Lộc đã hoàn thành và vượt kế hoạch tập trung ruộng đất, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn với diện tích 1.238/1.110 ha kế hoạch. Nhờ đó, việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu làm đất được thực hiện thuận lợi hơn. Huyện cũng chú trọng cơ cấu giống, lựa chọn các giống có chất lượng gạo ngon, năng suất cao vào các cánh đồng lớn nhằm tiến tới sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung và liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp” - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Can Lộc Phan Cao Kỳ cho biết.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đến ngày 12/1, toàn tỉnh đã gieo hơn 450 ha mạ và 3.260 ha lúa gieo thẳng, chủ yếu là các loại giống thuộc trà xuân sớm và xuân trung gồm: IR1820, Xi23, NX30, XT28; trà xuân muộn gồm các giống: P6, Nếp 98, Nhị ưu 838…
Từ đầu vụ sản xuất đến nay, nhìn chung thời tiết khá thuận lợi, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt
Các địa phương có diện tích gieo cấy lớn là: Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ, Nghi Xuân… Từ nay đến hết ngày 25/1 sẽ là thời vụ gieo cấy tập trung của hơn 80% diện tích lúa xuân 2022. Trong đó, tập trung lớn nhất là nhóm giống chủ lực; nhóm giống có tiềm năng năng suất, chất lượng và có triển vọng cao.
Nông dân Hà Tĩnh ngày càng chủ động ứng phó với thời tiết, sử dụng ni-lông che phủ bảo vệ mạ xuân.
Nhìn chung, thời tiết cho sản xuất vụ xuân đến nay khá thuận lợi, đặc biệt các địa phương đã có sự chủ động trong khâu làm đất và nước tưới. Do vậy, đến thời điểm này, các vùng sản xuất đã đáp ứng được tiến độ gieo cấy lúa xuân. Tuy nhiên, các địa phương cần căn cứ vào tình hình thời tiết, điều kiện sinh thái và chế độ canh tác của bà con nông dân để bố trí lịch gieo cấy phù hợp với khung lịch thời vụ của tỉnh. Những vùng đất tốt, thâm canh cao thì bố trí gieo cấy vào cuối lịch thời vụ; những vùng đất xấu, thâm canh thấp thì bố trí vào đầu lịch thời vụ. Đặc biệt, bà con nông dân cần chủ động áp dụng tiến bộ KHKT, các giải pháp kỹ thuật về giống, quy trình gieo cấy, chăm sóc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nhằm đảm bảo cho mùa sản xuất thắng lợi.