Những ngày cận tết, gia đình chị Đinh Thị Hồng (thôn Chế biến, xã Sơn Kim 2, Hương Sơn) đón niềm vui lớn khi xuất bán 10 con bò lai với trọng lượng từ 7 – 8 tạ/con.
Cả năm gia đình chị vất vả chăm chút để bò phát triển khỏe mạnh thì nay công sức ấy đã được đền đáp.
Tết này, gia đình chị Đinh Thị Hồng (xã Sơn Kim 2, Hương Sơn) bán 10 con bò lai.
Chị Hồng phấn khởi: “Bò thịt nhà tôi thương lái đặt cọc đã lâu. 10 con bò vừa xuất ra thị trường, con nhiều nhất là 48 triệu đồng, con ít nhất là 40 triệu đồng. Thắng lợi ở vụ này là động lực để chúng tôi bước vào vụ sản xuất mới. Dự kiến, qua tết Nguyên đán, gia đình đầu tư nuôi tiếp 15 con bò lai”.
Phải chăn nuôi theo hướng hàng hóa quy mô mới mong mang về nguồn lợi lớn. Từ suy nghĩ ấy, gia đình ông Đoàn Văn Hà (thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà) bắt tay chăn nuôi lợn quy mô lớn từ vài năm nay. Vừa rồi, ông Hà mới xuất bán 500 con lợn thịt với mức giá 80 ngàn đồng/kg.
Xuất bán 500 con lợn thịt, gia đình ông Đoàn Văn Hà (xã Lưu Vĩnh Sơn – Thạch Hà) lãi trên 1 tỷ đồng dịp tết.
Ông Hà vui mừng: “Tuân thủ phòng dịch nghiêm ngặt, chú trọng bồi bổ tăng sức đề kháng nên đàn lợn của gia đình tôi phát triển khỏe mạnh. Với lứa nuôi này, tôi lãi trên 1 tỷ đồng. Hiện tại, gia đình đã tái đầu tư nuôi 420 con lợn thịt”.
Gà đồi Thượng Lộc (Can Lộc) từ lâu đã được thị trường ưa chuộng. Nắm bắt cơ hội đó, những năm gần đây, gia đình chị Lê Thị Nga (thôn Sơn Bình, xã Thượng Lộc) đã tập trung chăn nuôi gà quy mô lớn. Tận dụng lợi thế trang trại, chị Nga thả cho gà “chạy bộ” và cho ăn những thức ăn tạo thịt thơm ngon như: lúa, ngô, khoai, rau… Bởi vậy mà từ đầu tháng Chạp, gà của gia đình chị Nga đã được thương lái “săn đón”.
Đợt rằm tháng Chạp vừa qua, chị xuất 100 con gà ra thị trường với mức giá 120 ngàn đồng/kg. Ngày 27 tết này, chị tiếp tục bán cho thương lái gần 100 con nữa với giá 125 ngàn đồng/kg.
Gà đồi Thượng Lộc (Can Lộc) được người tiêu dùng ưa chuộng vào dịp tết Nguyên đán.
Chị Nga chia sẻ: “Có sản phẩm tốt, nông dân giờ đây không quá lo lắng về thị trường như trước nữa. Riêng với gia đình tôi, quá trình chăm nuôi, gà không bị dịch và được giá lúc xuất bán là thắng lợi lớn”.
Khách hàng đến gia đình anh Lê Phương (xã Mỹ Lộc - Can Lộc) chọn mua cam tết.
Kinh nghiệm nhiều năm trồng cam nên gia đình anh Lê Phương – thành viên Hợp tác xã Tân Phương Đông (xã Mỹ Lộc, Can Lộc) đã có thể “ém” để tung cam ra thị trường vào đúng dịp tết Nguyên đán Tân Sửu.
Anh Lê Phương chia sẻ: “Những ngày qua, nhà tôi tấp nập khách hàng tới mua cam. Với 700 gốc cho thu hoạch, tết này gia đình xuất ra thị trường khoảng 40 tấn cam chanh với mức giá bình quân 25 nghìn đồng/kg".
Tết này, gia đình anh Lê Phương (Can Lộc) xuất ra thị trường khoảng 40 tấn cam chanh.
Năm nay lần đầu tiên nhà lưới của chị Võ Thị Loan (thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc) cung cấp cho thị trường tết một mặt hàng hoàn toàn mới, đó là dưa chuột bao tử. Gượng dậy sau những thiệt hại của vụ dưa lưới trong đợt lũ lụt tháng 10/2020, chị đã chuyển đổi sang trồng dưa chuột Nhật Bản.
Dự kiến trong dịp tết này, 3.000 cây dưa chuột của chị Loan cho thu hoạch khảng 4 tấn.
Chị Loan cho biết: “Giống dưa chuột này phát triển tốt, quả sai nên năng suất rất cao. Chỉ sau 2 tháng trồng đến nay tôi đã có thu hoạch. Dù mới mùa đầu nhưng dưa thu hoạch đến đâu tiêu thụ đến đấy. Những ngày này, nhà vườn chúng tôi cũng đã kín đơn hàng, chủ yếu của các cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn Hà Tĩnh, một số thương lái ở các chợ quê”.
Ông Trần Hữu Đức - Trưởng ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân tỉnh thông tin: “Bò, gà, lợn, cam… là những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Hà Tĩnh. Nhiều nông dân Hà Tĩnh đã nỗ lực vượt khó, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc đàn vật nuôi, cây trồng để thu về thành quả trong dịp tết Nguyên đán. Niềm vui ấy chính là động lực để họ tiếp tục tái đầu tư sản xuất trong năm mới với kỳ vọng về những vụ mùa bội thu”.
Cửa hàng nông sản an toàn Thùy Long (TP Hà Tĩnh) do Hội Nông dân tỉnh vận động thành lập hỗ trợ nông dân trong tiêu thụ sản phẩm. (Ảnh: Lê Tuấn, chụp ngày 21/01/2021).
Cũng theo ông Đức, thời gian qua, Hội Nông dân các cấp đã chú trọng tới việc kết nối, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản cho hội viên. Theo đó, chuỗi cửa hàng nông sản an toàn mà Hội Nông dân xây dựng tại các huyện, thành, thị đã phát huy tốt chức năng kết nối và tiêu thụ nông sản, chia sẻ và tạo động lực để nông dân tái đầu tư sản xuất.