Với diện tích 12.000 m2, năm nay, gia đình ông Hồ Sỹ Lưu (thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà) xuống giống khoảng 4 vạn cây hoa cúc, 400 chậu hoa ly. Ông Lưu tập trung xử lý đất, gia cố hệ thống nhà màng để xuống giống những cây hoa đầu tiên.
Ông Lưu chia sẻ: “Gia đình tôi bắt đầu xử lý đất khoảng 2 tuần nay, đất sau khi thu hoạch dưa lưới sẽ được xử lý bằng vôi và các loại chế phẩm vi sinh để tiến hành trồng hoa. Đây là thời điểm lý tưởng để xuống giống hoa cúc, nếu thuận lợi hoa sẽ cho thu hoạch vào khoảng 25 – 26 tháng Chạp, sau khi trừ các khoản chi phí, thu nhập ước đạt từ 140 – 160 triệu đồng/vụ”.
Không chỉ gia đình ông Lưu, nhiều hộ dân trên địa bàn thôn Xuân Sơn lúc này cũng tiến hành các công đoạn gieo trồng hoa tết. Theo chia sẻ của người dân, giống hoa cúc trồng vụ tết chủ yếu được nhập từ miền Bắc và Đà Lạt. Năm nay, do ảnh hưởng của mưa bão trong tháng 9, giá giống hoa đắt hơn, dao động từ 40.000 – 65.000 đồng/100 cây, trong khi mọi năm, giống hoa cúc được mua với giá từ 25.000 – 30.000 đồng/100 cây tuỳ loại. Người dân thôn Xuân Sơn chủ yếu trồng các giống hoa như: cúc vàng pha lê, cúc mâm xôi, cúc vàng Đài Loan, cúc tím lan, cúc trắng kim cương…
Ông Trương Hữu Hùng – Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Xuân Sơn (xã Lưu Vĩnh Sơn) cho biết: “Thôn Xuân Sơn hiện có 56 hộ trồng hoa tết, diện tích trung bình từ 2-3 sào/hộ. Nhiều hộ dân đã có kinh nghiệm trồng hoa hàng chục năm, do vậy, thời điểm làm đất, xuống giống, chăm sóc đều được bà con tính toán kỹ lưỡng. Trung bình mỗi vụ hoa tết, các hộ trồng hoa sẽ có thu nhập từ 50-60 triệu đồng”.
Gần 10 năm nay, nghề trồng hoa tết cũng đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình bà Hoàng Thị Vân (thôn Trung Nam, xã An Dũng, Đức Thọ). Với diện tích hơn 1 sào, gia đình bà Vân xuống giống 2 loại hoa chính là: cúc vàng pha lê và cúc trắng kim cương. Trong 2 ngày qua, bà Vân đã xuống giống được 2/3 diện tích, dự kiến sẽ hoàn thành trong 1-2 ngày tới.
“Trồng hoa cúc vụ tết cần phải xuống giống trước tháng 11 dương lịch để cây sinh trưởng và phát triển tốt, ra hoa đúng dịp tết Nguyên đán. Thời điểm này, bên cạnh việc xử lý đất, chong đèn, gia đình tôi còn thực hiện che chắn để tránh ảnh hưởng bất thường của thời tiết. Nếu thuận lợi, hơn 4 vạn cây hoa giống sẽ cho thu hoạch sau 3 tháng tới, thu nhập ước đạt khoảng 45 – 50 triệu đồng” - bà Vân cho biết.
Theo chia sẻ của nhiều hộ dân thôn Trung Nam, giá giống hoa cúc năm nay cao hơn nhiều so với mọi năm, ở mức khoảng 40.000 - 65.000 đồng/100 cây tuỳ loại. Để tiết kiệm chi phí, nhiều hộ dân đã lựa chọn tự nhân giống bằng phương pháp giâm cành, giâm ngọn.
Ông Nguyễn Lộc (thôn Trung Nam) cho biết: “Gia đình tôi đã mua giống mầm về giâm trong khoảng 2 tuần, nhờ vậy tiết kiệm được khoảng 50% chi phí mua giống. Năm nay, với diện tích gần 1 sào, tôi trồng hơn 2 vạn cây, chủ yếu là giống cúc ruby, cúc vàng pha lê, cúc tím… Bên cạnh hệ thống lưới che, tôi còn lắp đặt thêm hệ thống đèn chiếu sáng, khơi thông rãnh thoát nước để cây sinh trưởng thuận lợi. Như mọi năm, từ dịp Tết ông Công, ông Táo, vườn hoa của tôi đã có thể thu hoạch, đem về nguồn thu nhập khoảng 45 triệu đồng/vụ”.
Theo thống kê của UBND xã An Dũng, trên địa bàn xã có khoảng 25 hộ dân trồng hoa tết với tổng diện tích khoảng 1 ha, tập trung tại các thôn: Trung Nam, Đông Dũng, Quang Tiền…
“Nhiều năm trở lại đây, trồng hoa tết trong vườn hộ đã trở thành nghề đem lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã An Dũng, diện tích trung bình khoảng 1-2 sào/hộ. Bên cạnh các giống hoa cúc, hoa ly, người dân còn trồng thêm các loại rau vụ đông như: rau cải, hành kiệu, mướp… để phục vụ thị trường tết. Nhờ tích cực tăng gia sản xuất, linh hoạt với thời vụ, nhiều gia đình đã có nguồn thu nhập từ 40-50 triệu đồng/vụ, góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân và thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, bà Trần Thị Tình - Công chức Nông nghiệp - Môi trường xã An Dũng cho biết.
Hiện nay, phần lớn diện tích tại các "thủ phủ" trồng hoa tết như: xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà); xã Xuân Phổ, Xuân Yên, Xuân Giang (Nghi Xuân); xã An Dũng, Tân Dân (Đức Thọ),… đã được người dân xuống giống, tích cực chăm sóc.
Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, sau khi xuống giống, người dân cần lưu ý đến các yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của hoa như: nhiệt độ, độ ẩm, thời gian chong đèn. Đặc biệt, trước dự báo mưa lớn xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh, người dân cần chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, áp dụng tốt các kỹ thuật trồng, chăm sóc để phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng.