Năm nay, cây chè của gia đình bà Lê Thị Minh Đức (áo xanh) năng suất giảm, giá bán cũng thấp hơn
Có 9 sào chè đang vào độ thu hoạch cao điểm nhưng bà Lê Thị Minh Đức ở thôn Chế Biến (xã Sơn Kim 2) lại kém vui khi chè giảm năng suất, giá bán thấp hơn so với năm trước. Nếu như năm 2021, với chè loại C bà Đức bán giá 6.400 đồng/kg, chè loại D là 5.500 đồng/kg thì năm nay, chè loại C giảm còn 6.000 đồng/kg, chè loại D còn 5.000 đồng/kg.
Bà Đức cho biết: “Năm ngoái, gia đình tôi thu hoạch được 15 tấn chè tươi. Sau khi trừ các chi phí thu về 30% tiền lãi. Tuy nhiên, qua 5 tháng đầu năm 2022, gia đình mới chỉ thu hoạch được gần 4 tấn chè và với giá bán như hiện nay chắc chắn sẽ bị lỗ bởi chi phí phân bón, nhân công… tăng cao hơn so với năm trước khá nhiều”.
Vụ chè năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Châu khả năng thua lỗ.
Cùng chung hoàn cảnh với gia đình bà Đức, ông Nguyễn Văn Châu ở thôn Làng Chè (xã Sơn Kim 2) cũng đang “thở dài” với cây chè.
Ông Châu chia sẻ: “Với mỗi sào chè, gia đình tôi đầu tư khoảng 3 triệu đồng, ngoài ra tiền thuê nhân công thu hái bình quân mỗi ngày từ 250 - 300 nghìn đồng/người. Chi phí đầu tư cao nhưng giá bán chè lại giảm, do vậy, 10 sào chè của gia đình không cho lãi mà còn bị thua lỗ”.
Các năm trước, cây chè đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con trên địa bàn huyện miền núi Hương Sơn.
Theo nhiều hộ dân trồng chè tại xã Sơn Kim 2, năm nay, do giá phân bón tăng lên mức 16 - 18 triệu đồng/tấn nên người trồng phần lớn đã chuyển sang sử dụng phân chuồng, giảm lượng phân bón chuyên dụng cho cây chè. Bên cạnh đó, bà con chỉ làm cỏ, vun gốc để chè phát triển được đến đâu thì thu hái đến đó, chứ không đủ điều kiện mua phân bón thúc cho chè như mọi năm nên năng suất giảm.
Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 Cù Mạnh Tuấn cho hay, toàn xã có 400 ha chè với hơn 1.000 hộ dân tham gia sản xuất, trong đó tập trung chủ yếu ở các thôn Tiền Phong, Làng Chè, Thanh Dũng, Thượng Kim, Hạ Vàng... Cây chè đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con. Mọi năm, thời điểm từ tháng 4 đến tháng 6, người dân bước vào vụ thu hoạch chính, bà con đều hứng khởi do năng suất, giá cả ổn định nhưng hiện tại, giá chè giảm, năng suất không đạt nên người trồng đang phải chịu lỗ.
Rơi vào tình cảnh “tiến không được, thoái không xong” nhưng bà Đậu Thị Tình mỗi ngày vẫn đều đặn thu hái để “gỡ gạc” lại vốn, đồng thời để chè không bị quá lứa.
Việc chè “rớt” giá, năng suất kém không chỉ là nỗi niềm riêng của những hộ dân ở xã Sơn Kim 2. Bà Đậu Thị Tình ở thôn Kim Thành (xã Sơn Tây) cho biết: “Gia đình tôi có gần 6 sào chè, năm ngoái thu hoạch trung bình từ 1 - 1,4 tấn/tháng.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, gia đình mới chỉ thu được 3 tấn chè, tiền thu không đủ chi phí thuê nhân công và phân bón. Nhưng vì chè đang trong thời kỳ thu hoạch nếu không hái để quá lứa sẽ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, không còn bán được. Giờ chúng tôi tiến không được, thoái không xong, nên đành cố gắng trụ qua giai đoạn này”.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn khiến giá chè bị giảm.
Ông Nguyễn Hồng Sánh - Giám đốc Xí nghiệp chè Tây Sơn cho biết: “Hiện tại doanh nghiệp đang nhận thu mua chè của gần 1.000 hộ dân với tổng diện tích là 330ha. Năm 2021, doanh nghiệp mua của bà con khoảng 4.300 tấn chè tươi, tuy nhiên 5 tháng đầu năm chỉ mới thu mua được khoảng 1.500 tấn”.
Nói về nguyên nhân khiến chè giảm năng suất, ông Sánh lý giải, bên cạnh việc giá phân bón tăng cao kỷ lục thì một nguyên nhân nữa là giống chè được trồng chủ yếu ở huyện Hương Sơn là chè LDP2, với nhiệt độ thích hợp từ 22- 30 độ C, nhưng việc thời tiết thất thường, nhiệt độ có lúc giảm mạnh như năm nay, khiến cây chè khó phát triển. Ngoài ra, việc tiêu thụ sản phẩm chè trong giai đoạn đầu năm gặp khó khăn khi thị trường tiêu thụ chậm, hàng khó xuất đi nước ngoài nên giá chè bị giảm.
Toàn huyện hiện có gần 622 ha chè đang vào độ thu hoạch, tập trung ở các xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tây, Sơn Hồng, Sơn Lâm… Năm nay thị trường tiêu thụ chậm, hàng xuất đi các nước ở Tây Phi, Tây Á… gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, các nhà máy chế biến chè trên địa bàn vẫn cố gắng thu mua để đảm bảo duy trì vùng nguyên liệu và thu nhập cho bà con.
Để dần tháo gỡ vướng mắc về giá và năng suất của chè, huyện đang hướng dẫn người dân thu hoạch đến đâu thì xuất bán đến đó, không thu hoạch ồ ạt. Đồng thời, chủ động chống hạn cho cây chè để không bị giảm năng suất, phối hợp với các đơn vị thu mua nhằm đảm bảo kế hoạch thu hái, xuất bán và đầu tư thêm vào phân bón để tăng dần năng suất cho cây.