Để giúp hơn 1 ha cam của gia đình phát triển xanh tốt, cho năng suất cao, gia đình ông Nguyễn Đình Ngân (thôn Hương Giang, xã Đức Hương) đã đầu tư gần 50 triệu đồng để lắp đặt hệ thống ống tưới. Hằng ngày, cả gia đình đều tranh thủ dậy từ sáng sớm để bơm nước tưới cho cam.
Ông Ngân cho biết: Dù mới bước vào mùa nắng nhưng các kênh mương, hồ đập xung quanh vườn nhà đã gần cạn nước, tôi và các hộ làm vườn khác ở đây đang rất lo ngại. Nếu nắng nóng kéo dài, nguồn nước thiếu sẽ đe dọa rất lớn đến năng suất, sản lượng các vườn cam. Vì vậy, ngoài chuẩn bị hệ thống tưới, tôi đang tranh thủ thời gian tìm kiếm các mạch nước, nguồn nước có thể sử dụng lâu dài, ổn định để chống hạn”.
Ông Ngân chuẩn bị thêm rơm rạ, cây cối tấp gốc và bón thêm phân vi sinh chống hạn để điều hòa sinh trưởng cho cây cam...
...và bấm tỉa những cành sâu bệnh, cành khuất sâu trong tán và cành vượt, để cây cam khỏe mạnh và cho chất lượng quả tốt.
Với kinh nghiệm trồng cam lâu năm, bà Trần Thị Hạnh (thôn Hương Giang, xã Đức Hương) cho biết: "Cam là loại cây trồng có khả năng chịu hạn kém, mùa hè là giai đoạn để cây phát triển, tích nước trong quả nên nếu không được chăm sóc cẩn thận thì sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng, sản lượng. Do đó, để vườn cam đạt năng suất cao, từ đầu mùa nắng gia đình đã chuẩn bị chu đáo các biện pháp chống nóng cho cam, như: bổ sung hệ thống tưới, dùng cỏ để tủ gốc cho cam...".
Để đảm bảo việc dẫn nước từ hồ và khe suối về vườn, mùa nắng năm nay gia đình bà Hạnh đã chi gần 40 triệu đồng để nâng cấp hệ thống máy bơm, ống tưới. Năm ngoái mặc dù thời tiết nắng hạn kéo dài, nhưng nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên vườn cam của gia đình vẫn thắng lớn, thu về được 30 tấn quả, cho thu nhập gần 1 tỷ đồng - bà Hạnh chia sẻ.
Vườn cam rộng gần 6 ha, với hơn 2.500 gốc của bà Trần Thị Hạnh đang xanh mướt, trĩu quả, hứa hẹn cho năng suất cao vào cuối vụ.
Nhiều ngày qua, từ 5 giờ sáng, bà Nguyễn Thị Luân ở thôn 1 (xã Quang Thọ) đã phải thức dậy để chuẩn bị máy móc phun nước, vun gốc cho hơn 3 ha cam. Bà Luân cho biết: Gia đình đã khoan sẵn 2 giếng nước, mỗi giếng đặt một máy bơm và hàng trăm mét ống để phục vụ cho việc tưới. Ngoài ra, gia đình cũng đã xây 2 bể trữ nước lớn, phòng khi các nguồn nước mạch bị khô cạn.
Không áp dụng công nghệ tưới tự động, tưới nhỏ giọt như những mô hình trồng cam khác trên địa bàn, hằng ngày, gia đình bà Luân trực tiếp dùng vòi kéo lên đồi để tưới cho vườn cam rộng hơn 3 ha, với hơn 1.500 gốc. Theo bà Luân, việc dùng vòi để tưới sẽ giúp cam có đủ và đều nước. Bên cạnh đó, phương pháp này sẽ giúp việc làm cỏ, bón phân không bị vướng vào hệ thống vòi tưới.
Bà Luân cho biết, ngoài phun tưới thì việc đảm bảo độ ẩm ở gốc, bổ sung thêm nguồn chất dinh dưỡng, kiểm tra các loại sâu bệnh là những giải pháp hữu hiệu được gia đình bà làm thường xuyên để hạn chế cây khô héo, rụng quả, quả chất lượng kém trong mùa nắng nóng.
Trước tình trạng nắng nóng kéo dài, thời điểm này, người trồng trên địa bàn Vũ Quang đang tập trung thực hiện các biện pháp chống nóng cho cam. Theo nhiều người dân, năm nay tỷ lệ ra hoa, đậu quả của cam cao hơn năm ngoái nên việc chăm sóc theo quy trình kỹ thuật được đặc biệt quan tâm để có một vụ mùa thắng lợi.
Toàn huyện Vũ Quang hiện có hơn 2.600 cam. Để đảm bảo cây sinh trưởng tốt, cho sản lượng cao, từ đầu mùa nắng, Phòng NN&PTNT huyện đã chỉ đạo các địa phương tích cực hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chống nóng cho cam như: ủ gốc cho cây, che chắn những diện tích mới trồng, đầu tư hệ thống tưới; sử dụng tiết kiệm nước tưới, điều tiết hợp lý nguồn nước tưới từ các hồ đập, sông suối...
Ông Nguyễn Trường Thọ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện