Trên thửa ruộng rộng 1.000 m2 của gia đình, tháng 7/2022, chị Đặng Thị Phượng (SN 1990) ở thôn Tân Duệ, xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên) đã triển khai thí điểm trồng hoa cúc vàng. Nhờ thời tiết thuận lợi cộng với ứng dụng các kỹ thuật chăm sóc, hoa của chị Phương nở vào đúng dịp tết Nguyên đán.
Chị Đặng Thị Phượng chia sẻ: “Trước đây, tôi kinh doanh hoa ở TP Hồ Chí Minh nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên gia đình chuyển về quê sinh sống. Về quê, tôi khởi động lại kế hoạch kinh doanh hoa. Nhận thấy nhu cầu hoa cúc vàng ở thị trường Cẩm Xuyên rất lớn, trong khi nguồn cung hạn hẹp nên tôi bắt đầu triển khai mô hình trồng hoa. Lúc mới trồng, ai cũng bảo sẽ khó thành công vì thời tiết Hà Tĩnh rất khắc nghiệt; không có nhà lưới để che mưa, chắn gió thì hoa sẽ khó phát triển. Tuy nhiên, sau 6 tháng trồng thí điểm, kết quả cho thấy thành công ngoài mong đợi”.
Để hoa phát triển tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chị Phượng đã đầu tư lắp hệ thống 150 bóng đèn nhằm bổ sung ánh sáng cho cây. Hệ thống đèn được chiếu sáng từ 19h tối - 5h sáng ngày hôm sau. Từ ngày 30/10, hệ thống đèn được ngắt để cây hình thành nụ và cho hoa đúng dịp tết.
Chị Phượng đan lưới ô vuông để giữ cho cây thẳng và tránh gió lay làm gãy dập. Quá trình chăm sóc, cứ 7 ngày, chị Phượng lại phun thuốc phòng bệnh 1 lần và cứ 1 tháng lại làm cỏ, xới đất và bón phân cho cây.
Từ 22 tháng Chạp, một số hoa đã nở nên chị Đặng Thị Phượng cắt bán dần. Đến thời điểm này, gia đình chị Phượng đã bán hơn 3.000 bông hoa cúc vàng với giá bán sỉ 4.000 đồng/bông. Nhờ có mối khách quen là các cửa hàng trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên và TP Hà Tĩnh nên hoa thu hoạch đến đâu tiêu thụ đến đó.
Từ nay đến ra rằm tháng Giêng, toàn bộ 5,4 vạn cây hoa sẽ được chị Phượng thu hoạch hết để cung cấp cho thị trường.
"Mặc dù thời tiết khắc nghiệt, nhiều mưa nhưng nếu chăm sóc tốt thì tỷ lệ sống của hoa rất cao. Mới trồng thí điểm nhưng tỷ lệ sống hiện đạt trên 80%. Thu hoạch hết, gia đình sẽ thu về khoảng 160 triệu đồng, trong đó, chi phí sản xuất ban đầu mất khoảng 50 triệu đồng" - chị Đặng Thị Phượng cho hay.
Ngoài hoa cúc vàng do gia đình trồng được, hiện nay, chị Đặng Thị Phượng còn nhập thêm các loại hoa: cúc chi xanh, cúc kim cương, cúc trắng, cúc mai đỏ, cúc lan tím... để cung cấp cho thị trường tết.
Sau thành công của mô hình thí điểm, năm 2023, chị Đặng Thị Phượng dự định sẽ mở rộng quy mô sản xuất thêm 2.000 m2 và trồng thêm nhiều loại hoa cúc khác để phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường Hà Tĩnh.
Mô hình trồng hoa trên đất lúa của chị Đặng Thị Phượng bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, địa phương sẽ xây dựng kế hoạch để mở rộng sản xuất ở một số hộ dân khác trên địa bàn nhằm nâng cao giá trị, năng suất và hiệu quả kinh tế trên đất trồng lúa.