Nước Anh có phải là miền đất hứa đối với người Việt?

Muôn vàn những rủi ro mà người nhập cư bất hợp pháp có thể phải đối mặt khi vào Anh.

Trong những ngày này, cộng đồng quốc tế rúng động trước cái chết của 39 người nhập cư thiệt mạng trong một container đông lạnh ở hạt Essex, nước Anh. Cảnh sát Anh hôm nay xác nhận, trong số 39 nạn nhân có người mang quốc tịch Việt Nam. Báo chí hàng ngày đăng tải những con số đáng buồn liên quan đến người Việt Nam nhập cư vào Anh, từ lao động cưỡng bức như nô lệ đến con đường đầy nguy hiểm mà họ phải trải qua.

Nước Anh có phải là miền đất hứa đối với người Việt?

Chiếc xe container chứa 39 thi thể người di cư được đưa ra khỏi hiện trường vào chiều ngày 23/10. Ảnh: AP.

Cái chết của 39 người nhập cư dường như là cái chết được báo trước của con đường nhập cư bất hợp pháp vào Anh. Hãy nghe chính những người Việt Nam tại Anh chia sẻ về những rủi ro mà người nhập cư bất hợp pháp có thể phải đối mặt.

Năm 2000, 58 người di cư Trung Quốc từ Phúc Kiến đã bị phát hiện chết ngạt trong một chiếc xe tải tại cảng Dover, thuộc hạt Kent thuộc Đông Nam nước Anh. Ngay sau đó, vào năm 2004, 21 người di cư cũng từ Phúc Kiến, làm nghề nhặt sò, đã bị chết đuối ở vịnh Morecambe. Những vụ việc này khiến người ta phải suy nghĩ nhiều hơn đến một chủ đề, vốn gây rủi ro và tai họa trong thời gian dài đối với con đường đến Anh đó là tình trạng buôn bán người và làn sóng di cư bất hợp pháp bất chấp mọi nguy hiểm.

Annie Nguyễn đến nước Anh từ năm 2004, cô làm nghề phiên dịch tự do, thường xuyên cộng tác với các cơ quan chức năng của Anh như Bộ Nội Vụ hoặc Cơ quan cảnh sát Anh. Công việc phiên dịch của Annie tập trung chủ yếu là những người Việt Nam, bị cảnh sát Anh bắt giữ do định cư bất hợp pháp hoặc những người Việt Nam được xác định là lao động bất hợp pháp tại Anh.

Annie kể, số người Việt cô gặp nhiều vô kể, đủ các loại độ tuổi, đến từ nhiều địa phương khác nhau của Việt Nam nhưng đều chung một cảnh ngộ là sinh sống bất hợp pháp ở Anh. Cô cũng được nghe nhiều câu chuyện thương tâm của những người Việt phải trải qua trên con đường tới nước Anh. Tuy nhiên, giống như rất nhiều người Việt Nam đang sinh sống ở Anh, cô né tránh đề cập đến mỗi trường hợp người nhập cư bất hợp pháp cụ thể.

Nước Anh có phải là miền đất hứa đối với người Việt?

39 người được phát hiện tử vong thùng xe container lạnh tại hạt Essex, gần thủ đô nước Anh, hôm 23/10. Ảnh: Reuters.

“Gần đây nhất, tôi được tiếp xúc với một em nhỏ cùng với người lớn vượt biên sang Anh. Em ấy kể phải trải qua rất nhiều khổ sở, đi bộ, bị bỏ đói, lạnh, vượt qua những khu rừng và làng mạc, qua những con sông lớn bằng thuyền cao su, rất nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều người mà tôi biết phải đối mặt với những rủi ro như phụ nữ thì bị lạm dụng tình dục, nam giới thì bị ép buộc phải làm những việc mà họ không muốn”, Annie nói.

Annie cũng nói rằng, chính sách nhập cư của Anh đã thay đổi kể từ khi Anh chuẩn bị tiến trình rời khỏi Liên minh Châu Âu. Họ thắt chặt đường biên giới, cương quyết trục xuất những người di cư bất hợp pháp có quốc tịch.

Tuy nhiên, đối với những người nhập cư bất hợp pháp không có giấy tờ, các chính sách có vẻ như khá bất lực. Đó cũng là lý do, những người nhập cư bất hợp pháp muốn tới nước Anh và hầu như họ không mang bất cứ một loại giấy tờ nào, khả năng họ bị trục xuất, bỏ tù có xét xử là điều khó có thực hiện.

Đoàn Thanh Thủy, một người Việt Nam khác ở Anh cho biết, số người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp tại Anh khá lớn. Cô biết rất nhiều người trong số họ, thậm chí là bạn bè của họ. Nhưng đối với cộng đồng người Việt Nam tại Anh, cho dù là đối với người định cư không hợp pháp, cũng đều là đồng bào của mình.

Những người Việt Nam, không chỉ ở Anh mà ở các nước khác trên thế giới, đều phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: Bất đồng ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa, địa lý, thời tiết… Đối với những người bất hợp pháp, họ còn phải trốn các lực lượng chức năng, không có chế độ an sinh xã hội và do đó họ sẽ phải đối mặt với trăm nghìn cơ cực.

“Bạn không được pháp luật bảo vệ, điều đó có nghĩa là bạn sống mà không ai biết. Bạn là người rơm mà. Nếu như bạn bị cướp bóc, bị đe dọa, bị hành hung bạn cũng không thể báo cảnh sát. Nếu báo bạn sẽ bị bắt đưa vào các trại tập trung để trả về nước. Họ phải làm việc chui lủi, sống nơm nớp lo sợ, bởi nếu không bị bóc lột từ chính những người chủ thì họ cũng bị bóc lột từ chính những người xung quanh hoặc đồng đảng biết họ”, chị Thủy chia sẻ.

Thủy nói rằng, nhiều người Việt Nam sống bất hợp pháp ở Anh mà chị gặp thường cả tin, thiếu thông tin và thậm chí là với tham vọng đổi đời đã bất chấp mọi nguy hiểm để vượt qua biên giới. Họ nghĩ nước Anh, giống như một miền đất hứa trong tưởng tượng của nhiều người, nhưng thực tế lại không phải như vậy. Nước Anh đang trở thành cái mồi nhử của các đường dây buôn bán người xuyên quốc gia.

“Đặc biệt đối với những phụ nữ, bởi vì khi không có giấy tờ họ là đối tượng bị các băng đảng lợi dụng vào các đường dây gái điếm, lạm dụng tình dục. Rất phổ biến, cả với trẻ em chưa vị thành niên. Khi họ hứa hẹn là sang bên Anh có công ăn việc làm nhưng sang đến nơi, rơi vào tay họ, họ bắt làm gì thì phải làm nấy, không biết kêu ai, không thạo ngôn ngữ. Trong những trường hợp như vậy, họ đành chịu đựng bị bóc lột và cưỡng bức bởi các băng đảng Mafia xã hội đen”, chị Thủy cho biết thêm.

Theo báo cáo về tình trạng buôn bán người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm 2019, số người Việt Nam là nạn nhân của các đường dây buôn bán người qua biên giới sang Anh, Ai len ngày càng tăng. Họ làm các công việc nặng nhọc như xây dựng, đánh cá, khai thác gỗ và thậm chí là vào các khu vực hẻo lánh để trồng cần sa.

Một báo cáo khác với tiêu đề “Những hành trình bấp bệnh: Thảm kịch của các nạn nhân trong đường dây buôn người từ Việt Nam sang Châu Âu” do Tổ chức chống nô lệ quốc tế, Tổ chức chống buôn bán trẻ em của Anh và Qũy Liên kết Thái Bình Dương thực hiện dưới sự tài trợ của Bộ Nội vụ Anh đưa ra hồi tháng 3 năm nay cho biết: Trong khoảng 1 năm rưỡi qua, họ đã tiến hành điều tra về vấn đề buôn người từ Việt Nam sang Anh và các nước Châu Âu khác và chỉ ra con số hơn 3.100 người lớn và trẻ em Việt Nam được xác định là nạn nhân của các vụ buôn bán người sang Châu Âu, trong đó có nước Anh.

Nước Anh có phải là miền đất hứa không ? Câu trả lời chắc đã có trong mỗi người. Thảm kịch 39 người nhập cư bất hợp pháp thiệt mạng ở Anh có thể là một bài học đau xót để cảnh tỉnh những người với ước mộng làm giàu nhanh chóng mà bỏ qua những hiểm nguy tới tính mạng và niềm đau đớn tột cùng cho những người còn sống.

Chú ý tên nhân vật đã được thay đổi./.

Theo VOV

Đọc thêm

Truyện cười: Vé số

Truyện cười: Vé số

Một bà vợ hay ngoại tình, mỗi lần như vậy bà ta nói với chồng: “Em trúng xổ số nên hôm nay nhà mình ăn tươi”. 
Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Khi Lionel Messi đăng đàn phản ứng với phát biểu của Eric Abidal, thành viên BLĐ Barcelona, đó như giọt nước mắt của một thằng hề.
Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, các địa phương ở Hà Tĩnh đã tập trung triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm chủ động phòng ngừa và đối phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

Từ ngày 4/2, Bệnh viện Đa khoa Nghi Xuân mở thêm Phòng khám Nhi khoa do các bác sỹ đến từ Bệnh viện Nhi trung ương đảm nhận. Đây là một trong những nội dung thuộc dự án “Đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhi khoa ban đầu" tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân gian đoạn 2019 – 2021.
5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

Sau khi đã qua 30 ngày có dịch tả lợn châu Phi (tính đến đầu tháng 12/2019), gần đây trên địa bàn Hà Tĩnh, dịch bệnh lại tái phát tại 5 xã thuộc 3 huyện, buộc phải tiêu hủy 58 con lợn ốm chết.