Anh Giáp tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh chuyên ngành cơ khí năm 2016. Sau 2 năm làm nghề tự do, năm 2018, anh Giáp về làm cán bộ kỹ thuật cho Công ty CP Nhựa Bao bì Vinh tại thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân. Vốn có nhiều bạn bè chuyên sản xuất bể và nuôi cá cảnh ở nhiều nơi nên ngoài thời gian làm việc ở công ty, anh Giáp thường tham gia cùng bạn bè thiết kế thi công và tích luỹ được khá nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi cá cảnh. Tháng 6/2023, anh quyết định bỏ vốn hơn 100 triệu đồng nhập về 3.000 con cá koi (Shusui) giống của Nhật Bản, Trung Quốc với mong muốn tạo thêm nghề mới cho bố mẹ ở thôn 2, xã Sơn Trà (Hương Sơn).
Tuy nhiên, bố mẹ anh đã phản đối. Lý do là vườn nhà cao lại dốc nên không thể khoan giếng để lấy nước. Hơn nữa, ông bà chỉ quen làm ruộng, không có kiến thức về nuôi cá cảnh. Bởi vậy, số cá cảnh anh Giáp nhập về từ TP Hồ Chí Minh phải “quá cảnh” ở gia đình người bạn thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị trong khoảng thời gian 2 tháng. Do không được chăm sóc chu đáo, gần 1/3 cá giống bị chết khiến anh Giáp thiệt hại gần 40 triệu đồng.
Mặc dù phản đối nhưng vì thương con nên cuối cùng "dự án" nuôi cá cảnh cũng được bố mẹ anh “phê duyệt”. Sau gần 2 tháng triển khai khoan giếng, xây bể cá kích thước dài 8m, rộng 4,6m, sâu 1,2m; lắp đặt hệ thống xử lý nước khép kín và chạy thử, tháng 8/2023, anh Giáp đưa hơn 2.000 con cá giống ở Quảng Trị về nhà và chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi cho bố mẹ. Anh chỉ đảm nhận cung cấp giống, thức ăn, bao tiêu sản phẩm…
Theo ông Lê Mạnh Khôi (SN 1966) - bố anh Giáp, nuôi cá cảnh không quá phức tạp như mọi người nghĩ, nhưng phải lấy nước từ giếng khoan, đảm bảo nhiệt độ ổn định từ 18 - 30 độ C. Tốt nhất là nuôi trong bể có mái che để hạn chế nước mưa khiến cá nhiễm bệnh. Ngoài ra, người nuôi cần chuẩn bị thêm 1 máy phát điện để tạo ô xy khi bị mất điện đột ngột.
Thức ăn cho cá là cám bột, khi cá bé cần tăng cường thêm đạm để cá chóng lớn. Ngoài cám có thể bổ sung thêm rau xanh như rau muống, rau lang, xà lách, mỗi ngày cho ăn 4 lần (lượng thức ăn vừa phải vì nếu ăn no quá cá sẽ bị chết).
Cá cảnh nuôi trong khoảng thời gian 5 tháng, đạt kích thước dài 20 – 25 cm là có thể xuất bán. Trung bình giá mỗi con cá koi Trung Quốc khi bán ra dao động từ 600.000 - 900.000 đồng; giá cá koi Nhật Bản dao động từ 900 – 1,2 triệu đồng/con.
Anh Giáp cho biết: Việc nuôi chung 2 loại cá koi Nhật Bản, Trung Quốc không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng. Cá Nhật Bản có màu sắc, thân hình đẹp nên được nhiều người lựa chọn; cá Trung Quốc không có lợi thế đó nhưng ưu điểm là sức đề kháng cao, ít nhiễm bệnh hơn.
Từ khi nuôi (tháng 8/2023) đến nay, anh Giáp đã xuất bán rất nhiều lứa. Sau khi bán con lớn, anh lại nhập cá nhỏ về nuôi. Theo nhẩm tính của Lê Mạnh Giáp, từ khi nuôi đến nay, anh thu lãi hơn 500 triệu đồng. Hiện anh Giáp đang dự định sẽ tìm thuê đất ở quê nhà để tiếp tục đầu tư nuôi thêm khoảng 3.000 con cá cảnh.
Ông Phạm Xuân Thông – Bí thư Chi bộ thôn 2 rất tâm đắc với mô hình này. Theo ông, đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, không ô nhiễm môi trường. Cơ sở của anh Giáp không chỉ bán con giống (bảo hành trong 3 tháng), mà còn hướng dẫn quy trình nuôi; đảm nhận thêm công việc thiết kế, thi công ao, bể nuôi (bảo hành 18 tháng) cho những ai có nhu cầu nuôi cá koi.
Bà Lê Thị Thanh Mai - Quyền Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trà cho hay: Đây là mô hình đầu tiên mang tính đột phá trong việc đưa giống mới năng suất, hiệu quả kinh tế vào địa bàn, đồng thời, tạo điểm nhấn trong quá trình phát triển kinh tế ở địa phương. Mặc dù mới đi vào hoạt động hơn 9 tháng nhưng nhờ làm ăn uy tín nên lượng khách hàng tìm đến cơ sở của anh Giáp để mua cá cảnh ngày càng nhiều.