Trong phòng làm việc với ngồn ngộn tài liệu, sách báo cùng chiếc ipad để cập nhật thông tin, ông Phan Công Trân (báo cáo viên Đảng bộ phường Sông Trí, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đang tỉ mẩn soạn những bài nói chuyện cho cuộc sinh hoạt chi bộ. Từng đứng đầu chính quyền Kỳ Anh trong những năm đỉnh điểm của đói nghèo, đến nay, đã 79 năm tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, ông vẫn miệt mài góp sức cho bước phát triển mới của quê hương.
Trong dòng ký ức về 44 năm công tác với nhiều công việc, ở nhiều địa phương, ông Phan Công Trân nhớ như in nhiều câu chuyện trên chặng đường cùng Đảng bộ, nhân dân Kỳ Anh bứt ra khỏi sự đeo đẳng của đói nghèo: “Trở về quê hương sau nhiều năm làm việc ở nhiều tỉnh, thành vào năm 1979, tôi thấy Kỳ Anh đang là huyện nghèo nhất Hà Tĩnh. “Thiên thời, địa lợi” đều không có, dân trí thấp; hạn hán, bão lũ hoành hành triền miên; trồng cây gì, nuôi con gì thiên nhiên cũng đòi “chia phần”. Thống kê năm 1989, huyện có 18 vạn người thì có tới 12 vạn người đói. Huyện đã nhiều năm đi xin tiền, xin gạo cứu đói cho dân, nhưng tiêu hết tiền, ăn hết gạo, dân đói vẫn hoàn đói. Những năm 1990, người dân rủ nhau vào Nam kiếm kế sinh nhai và chạy tránh nạn đói đông như trẩy hội”.
Ông Trân chuẩn bị nhiều tài liệu về Bác để cùng chi bộ xây dựng, triển khai các chuyên đề học tập và làm theo gương Bác
Thực tế đó khiến ông Trân cũng như nhiều thế hệ lãnh đạo huyện đều đau đáu suy nghĩ: Muốn thoát nghèo, Kỳ Anh cần một cơ sở hạ tầng đủ mạnh để tổ chức sản xuất. Đến năm 1990 (khi đó ông Trân là Chủ tịch UBND huyện), đội ngũ cốt cán Kỳ Anh có cơ hội được vào Văn phòng Chính phủ, trình bày khẩn thiết cùng Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười về những khó khăn của địa phương. Sau cuộc gặp đó, cùng với những nỗ lực kết nối của lãnh đạo tỉnh và huyện với các bộ, ngành, 3 yêu cầu về thủy lợi, giao thông, điện cho Kỳ Anh đã được Trung ương ưu tiên.
Từ đây, công trình thủy lợi sông Rác được đẩy nhanh tiến độ thi công, đường điện 35 kW nối Cẩm Xuyên, Kỳ Anh được cấp vốn. Đón Tết Nguyên đán Tân Mùi 1991, Kỳ Anh đã có trạm thu phát lại truyền hình cấp huyện đầu tiên của tỉnh Nghệ Tĩnh. Đặc biệt, giữa năm 1994, Kỳ Anh đón Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt về thăm, rồi dự án xây dựng cảng Vũng Áng được Chính phủ phê duyệt, nhất là đường nối QL 1A đến cảng Vũng Áng được thiết kế và thi công khẩn trương, mở ra triển vọng mới cho địa phương. Đề án công nhận huyện Kỳ Anh là huyện miền núi được Chính phủ phê duyệt, tạo điều kiện cho huyện được hưởng các chính sách ưu đãi dành cho huyện nghèo.
Cùng với sự giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, các tổ chức chức phi chính phủ như OXFAM Anh, Bỉ, tổ chức FAO của Liên hợp quốc đã giúp huyện nghèo xây dựng các công trình như hệ thống đê ngăn mặn Hải Hà Thư, Kỳ Thọ, Kỳ Ninh, Kỳ Trinh; trồng rừng ngập mặn cùng với các dự án xóa đói giảm nghèo. “Đó là “cú hích” đầu tiên cho Kỳ Anh chuyển mình, nền kinh tế Kỳ Anh có khởi sắc bước đầu, nạn đói được đẩy lùi, đời sống nhân dân được ổn định, làm tiền đề cho vùng quê nghèo tiến lên con đường đổi mới, kêu gọi và thu hút đầu tư, tiến lên hiện đại hóa và công nghiệp hóa như ngày hôm nay. Đó cũng là điều kiện để Kỳ Anh thực hiện được quyết tâm của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ huyện: “Kỳ Anh nghèo, nhưng không thể nghèo mãi” - ông Trân chia sẻ.
Về hưu năm 2002, sau một thời gian sống ở TP Hà Tĩnh, năm 2004, ôngTrân chuyển về quê, tại tổ dân phố 3, phường Sông Trí và bắt đầu tham gia sinh hoạt chi bộ tại đây. “Ý định của tôi là về hưu sẽ nghỉ ngơi, điền viên cùng con cháu, thế nhưng, nhận thấy thực tế chi bộ đang cần mình, vì vậy, tôi nhận trách nhiệm làm báo cáo viên”.
Cùng các đồng chí trong chi ủy quyết tâm khắc phục điểm yếu của chi bộ lúc đó là nhận thức chính trị của nhiều đảng viên còn hạn chế, vai trò tiên phong hầu như chưa được phát huy, ông Trân bắt đầu dày công biên soạn những tài liệu để tuyên truyền trong các cuộc sinh hoạt sao cho hợp lý, thuyết phục nhất. “Thuận lợi nhất là ở thời điểm đó, các cấp ủy đảng phát động cuộc vận động học tập và làm theo gương Bác. Tôi đã dày công sưu tầm tài liệu những câu chuyện về Bác và xây dựng chương trình học tập bằng những bài soạn hấp dẫn, có sức thuyết phục cao với những câu chuyện và bài học được đúc rút từ mỗi việc làm, hành động của Bác. Cùng với việc hướng dẫn mỗi đảng viên soi mình, kiểm điểm mình để “làm theo” từ những câu chuyện đó, chi bộ đã dần nâng cao được cả đạo đức, tư tưởng, nhận thức chính trị của đảng viên”.
Ông Phan Công Trân thực hiện nhiệm vụ của báo cáo viên trong một cuộc sinh hoạt chi bộ TDP 3, phường Sông Trí
Từng giữ nhiều vị trí chủ chốt, rèn luyện ở các vị trí công tác như Trưởng ban Tuyên giáo, rồi Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND huyện, ông Trân mang cả kho kinh nghiệm công tác, hòa mình vào cuộc sống người dân, thực tiễn hoạt động của chi bộ và sự phát triển của địa phương để làm thật tốt vai trò của một báo cáo viên, đảng viên gương mẫu ở phường Sông Trí.
Đồng chí Nguyễn Văn Hảo - Bí thư Đảng ủy phường cho biết: “Bác Trân thực sự là “cây đa, cây đề” trên mặt trận chính trị tư tưởng ở địa phương. Không chỉ thực hiện xuất sắc vai trò của báo cáo viên, góp phần lớn để tổ dân phố 3 nói riêng, phường Sông Trí nói chung ổn định tình hình trước những thông tin bất lợi, bác Trân còn là chỗ dựa, là người mà Ban Thường vụ Đảng ủy phường thường xuyên trao đổi, xin ý kiến góp ý cho những chủ trương, chính sách triển khai trên địa bàn”.
Ông Trân trao đổi, góp ý với lãnh đạo phường Sông Trí về việc thực hiện các chủ trương, chính sách trên địa bàn
Chúng tôi may mắn được ông Phan Công Trân chia sẻ câu chuyện về cuộc đời cống hiến chưa biết mệt mỏi của mình vào dịp đầu năm mới, khi ông vừa nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Trên bàn làm việc của ông là bài nói chuyện vừa được trao đổi tại cuộc sinh hoạt chi bộ mới nhất về chủ đề lịch sử Đảng và những vấn đề đặt ra hôm nay. Trong đó, thông điệp mà ông Trân gửi gắm là: “Mỗi đảng viên ở trong tổ chức Đảng phải luôn giữ niềm tự hào to lớn về Đảng ta. Từ đó hiểu sâu hơn, nhận thức đúng đắn hơn và luôn hành động gương mẫu để xứng đáng với vai trò tiên phong của mình”.