“Chúng tôi thông báo với phía Israel rằng sẽ không duy trì quan hệ với họ và Mỹ, trong đó có vấn đề an ninh”, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nói trong cuộc họp báo hôm qua tại Cairo, Ai Cập.
Giới chức Israel và Mỹ chưa có bình luận về tuyên bố của lãnh đạo Palestine.
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông trong cuộc họp chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng hôm 28/1.
Kế hoạch đề xuất thành lập nhà nước Palestine phi quân sự không bao gồm các khu định cư của người Do Thái do Israel xây dựng trên vùng lãnh thổ do họ kiểm soát. Thủ đô của nhà nước Palestine mới bao gồm một số khu vực phía Đông Jerusalem và phần còn lại của thành phố là “thủ đô không thể chia cắt của Israel”.
“Trump yêu cầu tôi thảo luận qua điện thoại nhưng tôi nói”không“. Ông ấy muốn gửi thư nhưng tôi từ chối. Tôi không muốn Trump có thể nói rằng đã hỏi ý kiến tôi. Tôi hoàn toàn phản đối kế hoạch của Trump”, Abbas nói.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas trong cuộc hội đàm với Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit tại Cairo, Ai Cập ngày 31/1. Ảnh: Reuters.
Các lực lượng an ninh của Israel và Palestine từ lâu hợp tác tại khu vực Bờ Tây do Palestine kiểm soát. Chính quyền Palestine có thỏa thuận hợp tác với Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) dù người Palestine tẩy chay các đề xuất của chính quyền Trump năm 2017.
Các ngoại trường Liên đoàn Arab trong cuộc họp ngày 1/2 tại Cairo, Ai Cập cho biết kế hoạch hòa bình của Trump không mang lại nền hòa bình toàn diện và công bằng, đồng thời sẽ không hợp tác với Mỹ để thực hiện. Các ngoại trưởng khẳng định quyền xác lập quốc gia tương lai của Palestine trên vùng lãnh thổ do Israel chiếm đóng với thủ đô là Đông Jerusalem trong tuyên bố chung sau cuộc họp.
Ngoại trưởng các nước Ai Cập, Arab Saudi, Jordan, Iraq và Lebanon cho biết không thể có hòa bình nếu không công nhận quyền của Palestine và đưa ra một giải pháp toàn diện.
Một số quốc gia Arab từng sát cánh với Palestine lại ủng hộ kế hoạch của Trump do ưu tiên quan hệ chặt chẽ với Mỹ và cùng chung thái độ đối địch với Iran. Đại diện của Oman, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) có mặt khi Trump công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông.
Thủ tướng Netanyahu cho biết sẽ yêu cầu nội các phê duyệt việc áp dụng luật của Isarel tại các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây. Động thái này được cho là bước đầu tiên trong nỗ lực sáp nhập các khu định cư và Thung lũng Jordan, nơi Israel kiểm soát sau Chiến tranh 6 ngày năm 1967.
Phần lớn các nước coi khu định của Israel trên vùng đất họ kiểm soát là vi phạm luật pháp quốc tế. Trump đã thay đổi chính sách của Mỹ để rút lại phản đối này.
Biến đổi lãnh thổ Israel - Palestine