Lễ phát động được tổ chức tại Khu di tích Nguyễn Du
Dự lễ phát động có nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Giáo sư Phong Lê – Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam. Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Văn Thạch, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Cao Thanh, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải; đông đảo học giả, nhà nghiên cứu về thân thế sự nghiệp của cụ Nguyễn Du và Truyện Kiều cùng dự.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, huyện Nghi Xuân, các học giả, nhà thơ, nhà nghiên cứu...
Tại lễ phát động, Giáo sư Phong Lê nhấn mạnh: “200 năm với biết bao biến động, thay đổi trong vận mệnh, trong số phận của người dân Việt nhưng có một hằng số không thay đổi trong tâm thức, tâm linh của người Việt là sự sống và sức sống vĩnh cửu của các giá trị tinh thần mà Nguyễn Du đem lại được kết tinh trong Truyện Kiều. Với cuộc thi “Văn Tế”, các thế hệ hậu sinh là chúng ta lại có dịp ôn lại và mở rộng thêm, đi sâu thêm vào thân thế, hành trang, sự nghiệp của Nguyễn Du".
...cùng đông đảo người dân tham dự lễ phát động
Cũng tại buổi lễ, Ban tổ chức đã thông báo rộng rãi nội dung, hình thức và thể lệ hai cuộc thi. Theo đó, cuộc thi “Sáng tác văn tế Đại thi hào Nguyễn Du” bao gồm:
Về nội dung: Tái hiện lại cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của đại thi hào Nguyễn Du – người có trái tim lớn thương cảm mọi kiếp người; thể hiện được lòng cảm phục, biết ơn, tự hào và thương tiếc của hậu thế đối với Đại thi hào.
Giáo sư Phong Lê: Với cuộc thi “Bạn đọc thuộc Truyện Kiều”, chúng ta mong gần 100 triệu công dân Việt hôm nay sẽ có dịp tiếp cận và thấm sâu hơn những giá trị nhân văn và nghệ thuật bất hủ trong 3.254 câu Kiều. Nó là kết tinh tài năng, tâm huyết, trí tuệ một con người vĩ đại của non sông Việt và quê hương Hà Tĩnh.
Hình thức thể loại: Các bài thi sáng tác theo thể loại văn tế, tức là bài viết gồm hầu hết các cặp câu biền ngẫu và gieo một vần trắc từ đầu đến cuối bài. Người dự thi có thể tham khảo bài “Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu và “Văn tế Phan Chu Trinh” của Phan Bội Châu để hiểu thêm đặc trưng của thể văn này.
Đối tượng dự thi: Mọi người Việt Nam, không phân biệt quốc tịch, định cư trong nước hoặc nước ngoài đều có thể tham gia dự thi. Bài dự thi không quá 50 cặp biền ngẫu (khoảng 100 câu), gửi theo địa chỉ email: [email protected] hoặc có thể gửi qua bưu điện, in trên một mặt giấy, địa chỉ: Hội Kiều học Việt Nam, số 14 Pháo Đài Láng - Đống Đa - Hà Nội.
Thời gian nhận bài thi từ ngày 15/2/2019 đến ngày 15/7/2020. Quyền lợi người dự thi: bản quyền luôn thuộc về tác giả. Trong bài dự thi, tác giả không tự động gửi đăng báo cũng như in sách. Ngoài số tiền thưởng đi kèm, một số bài xuất sắc sẽ được nhận nhuận sắc và khắc vào bia đá dựng ở các khu di tích Đại thi hào. Những bài có chất lượng cao sẽ được in trong tuyển tập văn tế về Đại thi hào Nguyễn Du, xuất bản trước tháng 9/2020.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Nguyễn Du có nhiều bài văn tế bất hủ thương cảm những mảnh đời bất hạnh, những phận đời tận đáy xã hội nhưng hậu thế vẫn chưa có bài văn tế nào viết về cụ...
Đối với cuộc thi “Bạn đọc thuộc Kiều”, mục đích Ban tổ chức đặt ra là khuyến khích phong trào đọc thuộc Truyện Kiều. Trong thời gian diễn ra cuộc thi từ 15/2/2019 đến 15/7/2020, bạn đọc nào cảm thấy mình thuộc lòng toàn bộ Truyện Kiều thì đăng ký với Ban tổ chức (qua email, điện thoại hoặc thư) để Ban tổ chức sắp xếp thời gian thẩm định.
Quyền lợi của người trúng giải: Người trúng giải sẽ được nhận Bằng tôn vinh bạn đọc thuộc Kiều do Ban tổ chức trao tặng, kèm một khoản tiền thưởng. Đồng thời được mời tham dự “Cuộc hội ngộ và giao lưu những người thuộc Kiều” tổ chức tại quê hương Đại thi hào Nguyễn Du và tham dự Lễ kỷ niệm 200 năm ngày mất của Cụ vào tháng 9/2020.