Tuy nhiên, tỷ lệ đô thị hóa của Hà Tĩnh hiện đang ở mức khá thấp. Các đô thị chưa đáp ứng về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp, việc đầu tư còn manh mún, bị động về nguồn lực phát triển...
Thành phố Hà Tĩnh phải đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng cho mục tiêu xây dựng đô thị loại II.
Việc phát triển thị trấn Phố Châu (Hương Sơn) trong thời gian qua vẫn còn rất chậm. Qua soát xét tổng thể của huyện thì thị trấn hiện vẫn còn một số tiêu chí chưa đạt ngưỡng điểm chuẩn tối thiểu. Trong đó, tốc độ phát triển kinh tế, giá trị sản xuất, thu nhập của người dân, thu ngân sách còn thấp, chênh lệch khu vực nông thôn không đáng kể.
Riêng hạ tầng nhìn chung không đồng bộ. Công trình công cộng, dịch vụ xã hội công còn yếu. Kiến trúc, cảnh quan đô thị lộn xộn. Môi trường đô thị không đảm bảo, nhất là hệ thống xử lý chất thải rắn, nước thải chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, việc huy động nguồn lực đầu tư còn gặp nhiều khó khăn. Giai đoạn 2010-2015, tổng nguồn lực huy động được từ các chương trình, dự án và ngân sách xây dựng đô thị chỉ khoảng 100 tỷ đồng, trong đó, huy động nhân dân đóng góp chưa đến 10 tỷ đồng. Việc đưa thị trấn Phố Châu từ đô thị loại V lên loại IV vào năm 2020 sẽ là thách thức không nhỏ đối với chính quyền và nhân dân nơi đây.
Cho đến nay, huyện Lộc Hà vẫn chưa chính thức có thị trấn. Ông Nguyễn Quốc Khánh - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện cho biết: Về cơ bản, trung tâm huyện lỵ Lộc Hà đã đạt các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế về chỉ tiêu dân số, đặc biệt, cơ sở hạ tầng đầu tư xây dựng chưa được hoàn chỉnh. Để thực hiện được các nội dung trên, cần nguồn lực đầu tư lớn, trong khi huyện còn nghèo, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao so với bình quân chung cả tỉnh”.
Dự kiến, sớm nhất là năm 2021, thị trấn Thạch Hà mới cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại IV.
Cũng theo ông Khánh, để khắc phục những tồn tại trên, trong những năm tới, huyện sẽ rà soát, bổ sung, xây dựng các quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, đúng định hướng. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung phát triển kinh tế, chú trọng thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp và dịch vụ, nhân lực; tăng cường hiệu quả quản lý xây dựng theo quy hoạch và ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, phấn đấu đưa trung tâm huyện Lộc Hà đạt vững chắc đô thị loại V. Được biết, khu trung tâm huyện Lộc Hà được quy hoạch có 11 thôn. Trên địa bàn đã hình thành một số dự án, trung tâm thương mại như tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí Vinpearl Cửa Sót, khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp đạt tiêu chuẩn 5 sao, khu Clubhouse (cao 2 tầng), khu công viên vui chơi giải trí...
Khó khăn về nguồn lực đầu tư phát triển đô thị không chỉ là câu chuyện riêng của huyện Hương Sơn, Lộc Hà mà là bài toán khó chung của hầu hết các địa phương trong toàn tỉnh. Trong những năm qua, Hà Tĩnh đã có những bước tiến trong thu hút vốn đầu tư phát triển kinh tế, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa ở nhiều địa phương, đặc biệt là TP Hà Tĩnh và TX Kỳ Anh. Trong đó, có một số dự án đầu tư phát triển đô thị nổi bật trên địa bàn tỉnh như: Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở Vincom của Tập đoàn Vingroup, khu nhà ở đô thị của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) tại TP Hà Tĩnh, trung tâm thương mại, siêu thị tại TX Hồng Lĩnh…
Tuy vậy, tỷ lệ đô thị hóa của Hà Tĩnh nhìn chung đang ở mức khá thấp (21,59%) so với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc (35,2%). Chất lượng cơ sở hạ tầng đô thị toàn tỉnh nhìn chung còn yếu, đặc biệt ở các đô thị loại V, các đô thị vùng núi của tỉnh. Khả năng liên kết của các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy còn yếu, chưa đóng góp tích cực tạo sự liên kết phát triển trong hệ thống đô thị của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và của quốc gia nói chung.