Ông Nguyễn Ngọc Hùng - Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh.
PV: Xin ông chia sẻ những đổi mới căn bản của khu vực KTTT, HTX Hà Tĩnh trong năm qua?
Ông Nguyễn Ngọc Hùng: Những năm gần đây, KTTT, HTX Hà Tĩnh hoạt động rõ nét, hình thành nhiều mô hình điển hình tiên tiến, hiệu quả trên các lĩnh vực. Đến nay, tỷ lệ HTX khá, tốt tăng từ 12% đầu năm 2020 đến nay đạt 35%.
Trong 1.034 HTX, có 32 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động hiệu quả; 151 HTX môi trường cơ bản làm tốt công tác thu gom, vận chuyển rác; 111 HTX quản lý chợ đáp ứng phần lớn nhu cầu thương mại nông thôn. Trong 600 HTX nông nghiệp, nhiều mô hình chủ động SXKD các sản phẩm chủ lực: lúa, cây ăn quả, trồng rừng, dược liệu; chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; đánh bắt, chế biến thủy hải sản. Nhiều HTX đầu tư hạ tầng, chế biến sâu sản phẩm. Có 105 sản phẩm của HTX, tổ hợp tác (THT) đạt tiêu chuẩn OCOP 3-4 sao trong 249 sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Liên minh HTX các tỉnh Bắc Trung Bộ ký kết biên bản tiêu thụ sản phẩm lẫn nhau vào tháng 11/2022.
PV: Một số HTX chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào SXKD. Ông có thể thông tin rõ hơn về những đổi thay này?
Ông Nguyễn Ngọc Hùng:Theo Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, năm 2025 phấn đấu có 100% HTX, THT, hộ nông dân sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, OCOP... ứng dụng điện thoại thông minh, internet băng rộng, sàn thương mại điện tử vào sản xuất, kinh doanh.
Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp tổ chức 15 lớp tập huấn về quản lý kế toán, quản lý chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại gắn với áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho 1.300 thành viên của HTX tham gia. Hiện, có 15-20% HTX nông nghiệp đã áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kinh doanh; 20-25% HTX nông nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử.
Các đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm KTTT các tỉnh Bắc Trung Bộ do Liên minh HTX Hà Tĩnh tổ chức năm 2022.
Tuy vậy, chuyển đổi số trong HTX còn hạn chế: cơ sở hạ tầng lạc hậu, nguồn nhân lực thiếu trình độ... Theo đó, cần đẩy mạnh đào tạo cho HTX về công nghệ thông tin, chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ số về kiểm soát chất lượng, giám sát nguồn gốc; xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP... Để thực hiện được việc này, đề nghị tỉnh, huyện bố trí kinh phí để xây dựng mô hình và nhân rộng.
PV: Theo ông, Hà Tĩnh cần các giải pháp nào để hỗ trợ HTX phát triển tương xứng tiềm năng?
Ông Nguyễn Ngọc Hùng: KTTT Hà Tĩnh còn nhiều khó khăn: Năng lực HTX thấp, quy mô nhỏ; HTX trung bình, yếu kém tỷ lệ cao (60%); hoạt động của THT thiếu sự quản lý. Nội tại HTX, THT cần đổi mới tư duy, sáng tạo cách làm; nâng cao năng lực, áp dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Thực hiện đầy đủ bản chất của KTTT trong tổ chức, phát triển thành viên, cùng góp sức, góp vốn phát triển.
Có 105 sản phẩm của HTX, tổ hợp tác đạt tiêu chuẩn OCOP 3, 4 sao trong 249 sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành, đoàn thể các cấp tiếp tục tham mưu, tổ chức thực hiện các chính sách hiện hành nhằm tích cực hỗ trợ KTTT. Phát huy hơn nữa vai trò của Liên minh HTX tỉnh là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của KTTT.
Tuyên truyền, đào tạo, nâng cao năng lực cho HTX về quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, chuyển đổi số... Tạo điều kiện để HTX tiếp cận đất đai, vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, ngân hàng thương mại. Thúc đẩy xúc tiến thương mại, tổ chức các hội nghị giao thương liên kết tiêu thụ sản phẩm; ký kết cung ứng sản phẩm hàng hóa của tỉnh vào các hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử trên toàn quốc…
PV: Xin cảm ơn ông!