Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Báo Giao thông)
Báo cáo của Bộ GTVT khẳng định: Với sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của và sự quyết tâm, nỗ lực của toàn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nên ngành GTVT đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch năm 2016.
Bên cạnh việc Bộ đã hoàn thành 57 công trình để đưa vào khai thác, xây dựng 44 cầu treo dân sinh thì công tác xây dựng hệ thống đường GTNT tiếp tục được ngành, các địa phương quan tâm với kết quả đã giải ngân 63.684 tỷ đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông báo cáo kết quả công tác năm 2016 của Bộ GTVT. (Ảnh: Báo Giao thông)
Đặc biệt, ngành đã hoàn thành bảo dưỡng thường xuyên 22 ngàn km đường quốc lộ, 5.900 cầu, 8 hầm, 8 phà; bảo dưỡng 2.500 km đường sắt, 500 km đường ga và 2.257 bộ ghi; nạo vét 14 tuyến luồng hàng hải, thực hiện kế hoạch sửa chữa 23 công trình; quản lý, bảo dưỡng thường xuyên 7.000 đường thủy nội địa, nạo vét 12 vị trí, khảo sát thông báo luồng 12 vị trí; hoàn thành bảo trì các công trình hàng không theo kế hoạch...
Điểm cầu Hà Tĩnh
Công tác đảm bảo TTATGT, giảm ùn tắc giao thông, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp tục được tăng cường nên tình hình có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, trong cả nước đã xẩy ra 21.589 vụ tai nạn giao thông, làm 8.685 người chết, 19.280 người bị thương, giảm cả về 3 tiêu chí so với năm 2015. Trong năm, ngành cũng đã tiếp nhận và xử lý hơn 500 vụ việc báo nạn, đã cứu và hỗ trợ 869 người và 70 phương tiện...
Trên cơ sở kết quả đạt được và yêu cầu trong tình hình mới, năm 2017, ngành GTVT phấn đấu mức tăng trưởng khoảng 8-9% về hàng hóa và lưu hành khách, riêng đường sắt tăng 10%; hoàn thành kế hoạch thực hiện và giải ngân tất cả các nguồn vốn được giao, dự kiến khoảng 51.616 tỷ đồng; thực hiện tốt năm ATGT với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên” với mục tiêu “Tính mạng của con người là trên hết”...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo ngành GTVT phải tập trung đẩy mạnh tái cấu trúc cơ cấu ngành, đơn vị, lĩnh vực theo hướng hợp lý để nâng cao tính chuyên nghiệp, phát huy hiệu quả và hạn chế tối đa những thất thoát vô hình.
Quan tâm hoàn thiện thể chế để bổ sung, điều chỉnh, xử lý kịp thời các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc gắn với xây dựng cơ chế đặc thù để thực hiện các dự án cấp bách, trọng điểm. Chú trọng xây dựng và hoàn thiện quy hoạch để làm cơ sở hoạch định chiến lược kế hoạch hóa đầu tư. Bộ, ngành, các địa phương cần tập trung huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng lưu ý phải có giải pháp đồng bộ để tăng cường công tác đảm bảo TTATGT, ùn tắc giao thông, nhất là ở các khu đô thị trung tâm; đẩy mạnh phát triển vận tải đa phương thức để giảm thiểu chi phí vận tải; Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị chuyên trách để làm tốt công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; tăng cường tính tự chủ của các DN công ích, đẩy mạnh cổ phần hóa, nâng cao chất lượng SXKD...
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn nhưng ngành GTVT Hà Tĩnh đã chủ động vào cuộc và đạt được nhiều kết quả cao trong các mặt công tác. Ngành đã phối hợp tốt với các đơn vị, địa phương trong giải phóng mặt bằng, huy động nguồn lực nhằm đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Nhờ vậy, trong năm, toàn tỉnh đã xây dựng và nâng cấp được gần 900 km đường nhựa và đường bê tông xi măng, làm mới gần 1.580 cống thoát nước và xây dựng 25 cầu bê tông cốt thép... với tổng giá trị đầu tư đạt gần 882 tỷ đồng. Trong năm, toàn ngành đã hoàn thành cắm mốc lộ giới trên hệ thống 152,5km đường quốc lộ; kiểm đếm, phân loại đất nằm trong hành lang 10 tuyến đường tỉnh; tiếp nhận và giải quyết 150 hồ sơ đảm bảo chất lượng; thực hiện giám sát 11 gói thầu với tổng giá trị xây lắp trên 134,2 tỷ đồng; cấp mới 15.000 GPLX; đổi cấp lại 20.000 GPLX các loại; thực hiện bảo trì 104km đường GTNT các loại với tổng kinh phí đạt 52,3 tỷ đồng; công tác đảm bảo TTATGT được tăng cường... |