Muôn kiểu trầm cảm
73 tuổi, là thầy giáo về hưu nhưng mấy tháng nay, ông H. (xã Thạch Long, Thạch Hà) phải vào Bệnh viện Tâm thần tỉnh để điều trị bệnh trầm cảm. Bác sỹ điều trị Nguyễn Ngọc Quý cho biết, qua khai thác thông tin bệnh nhân, ông H. là tộc trưởng. Ông bà có 3 người con thì cả 3 đều công tác và sinh sống ở xa. Do ông lo lắng sau này không có ai chăm chuyện hương khói nên luôn bị ám ảnh. Ông H. mất ăn, mất ngủ, người lúc nào cũng bồn chồn, hoảng hốt. Sau một thời gian điều trị tại bệnh viện ông có đỡ hơn. Tuy nhiên, theo bác sỹ Quý, để chữa khỏi bệnh cho ông H. thì rất cần thời gian, bệnh nhân vừa phải dùng thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sỹ, vừa phải chữa bệnh bằng tâm lý.
Bác sỹ bệnh viện tâm thần tỉnh chăm sóc bệnh nhân trầm cảm
Tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, số lượng bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm chưa nhiều nhưng cũng đủ để phác họa nên một bức tranh chung. Bệnh nhân đa dạng: Trẻ, già, nam, nữ, trí thức, nông dân… mắc chứng trầm cảm với muôn vàn lý do khác nhau nhưng có một đặc điểm chung đó là hầu hết ở giai đoạn nặng mới đến bệnh viện để điều trị và không tuân thủ phác đồ điều trị.
Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nguyễn Phi Thọ cho biết: Chứng trầm cảm bây giờ cũng không còn điển hình như trong sách vở (bệnh nhân nằm một chỗ, không ăn, không nói, không sinh hoạt, nằm úp mặt vào tường nhà) mà có muôn kiểu biểu hiện như mất ngủ kéo dài, bồn chồn, đau đầu, bất an, buồn chán, ngại tiếp xúc với người xung quanh, hay lo sợ vô cớ, phủ định chống đối, không chịu ăn uống... Theo phác đồ, mỗi bệnh nhân phải điều trị kết hợp hóa dược và tâm lý từ 3-6 tháng, thậm chí có thể kéo dài từ 8-12 tháng tùy theo tình trạng bệnh nhân. Tuy nhiên, thực tế hầu hết bệnh nhân vào viện được vài ba tuần thấy đỡ là xin ra viện. Đây là nguyên nhân dẫn đến bệnh dễ tái phát và chuyển sang giai đoạn nặng hơn. Như anh A. (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) là một cán bộ ngân hàng, đã điều trị tái phát nhiều lần; bệnh nhân T. (phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) gần đây đã có hành vi tự sát…
Phát hiện muộn, chậm được điều trị
Mỗi năm, tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh có khoảng 20 bệnh nhân đến điều trị. Tuy nhiên, theo các bác sỹ bệnh viện, mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng chắc chắn là người mắc trầm cảm trong cộng đồng rất lớn. Theo kết quả điều tra của Trạm Tâm thần (trước đây) tại phường Thạch Linh thuộc dự án chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng của Trung ương, toàn phường có đến 206 bệnh nhân rối loạn trầm cảm, trong đó có 12 nam và 194 nữ. Bệnh nhân chủ yếu ở lứa tuổi từ 30-79. Nữ giới mắc trầm cảm cao gấp 7, 8 lần so với nam giới. Nghiên cứu mới nhất tại Viện Sức khỏe tâm thần năm 2016 ở những bệnh nhân từ 45 tuổi bị trầm cảm thì 36,5% bệnh nhân có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.
Theo bác sĩ Đinh Nho Quang - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, việc điều trị trầm cảm hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn bệnh nhân trầm cảm đều không được nhận biết và điều trị sớm, nhiều trường hợp còn bị kỳ thị hoặc biểu hiện bằng các triệu chứng cơ thể nên đến khám tại các chuyên khoa khác trước khi đến khám tại chuyên khoa tâm thần. Vấn đề khó khăn khác là điều trị trầm cảm cần phải kéo dài, việc dùng liệu pháp hóa dược đôi khi có thể gây ra tác dụng không mong muốn.
Bộ Y tế khuyến cáo, trầm cảm không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Bất kỳ ai cũng có thể mắc trầm cảm. Đặc biệt, nếu bạn thấy mình có dấu hiệu bị trầm cảm thì hãy trò chuyện với mọi người, hãy nói với ai đó mà bạn tin cậy về cảm giác và suy nghĩ của mình, bởi vì trò chuyện là một trong những biện pháp đơn giản nhất để phòng và chữa trị trầm cảm. Đồng thời, nên tích cực tập luyện thể dục thể thao, tránh sử dụng đồ uống có cồn và các chất gây nghiện. Khi cần trợ giúp, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được cán bộ y tế hướng dẫn, tư vấn về sức khỏe.