Washington đang hết sức quan ngại rằng Nga và Trung Quốc đã có thể tiến nhanh hơn Mỹ trong việc phát triển công nghệ có thể cho phép chế tạo các tên lửa hoạt động ở tốc độ siêu thanh với khả năng tiêu diệt mục tiêu trong vài giờ ở bất kỳ điểm nào trên Trái Đất. Hãng The Washington Post dẫn lời các nguồn tin quân sự của Mỹ cho biết.
Hiện khi Mỹ hiểu đã thua trong cuộc chạy đua vũ trang này nên coi việc phát triển tên lửa siêu thanh là ưu tiên số một.
Theo thông báo trước đó của Thứ trưởng Quốc phòng mới của Mỹ phụ trách vấn đề nghiên cứu khoa học và thiết kế thử nghiệm, ông Mike Griffin, nếu Lầu Năm Góc không bắt tay hoạt động sớm nhất thì các đối thủ giả định sẽ tiến rất xa hơn Mỹ trong lĩnh vực công nghệ này.
Theo ông, hiện Mỹ phải bắt kịp Nga và Trung Quốc, hai nước đang có những chương trình rất công phu trong lĩnh vực này ở trên mọi khía cạnh. Ông Mike Griffin trong bài phát biểu của mình đã kêu gọi Mỹ không được ngang bằng với các nước khác mà phải vượt trội so với họ.
The Washington Post đưa tin, gần đây, Không quân Mỹ đã ký hợp đồng trị giá 1 tỷ USD với Công ty Lockheed Martin trong nghiên cứu phát triển tên lửa siêu thanh. Ngoài ra, hãng Boeing cũng thông báo về sự hợp tác với một công ty của Anh để sở hữu được những công nghệ cho phép chế tạo được vũ khí này trên cơ sở động cơ của mình.
Đáng chú ý, các tên lửa siêu thanh có khả năng đạt tốc độ từ 1,5 tới 8 km/s, nhanh hơn tốc độ âm thanh 5 lần. Nhờ tính cơ động của mình, tên lửa này có thể bay ở độ cao rất thấp, điều này tạo ra khó khăn cho radar phát hiện, còn quỹ đạo bay của nó có thể thay đổi, khác với các đầu đạn của tên lửa đạn đạo.
Tạp chí này khẳng định, Lầu Năm Góc đã nghĩ tới phát triển tên lửa siêu thanh từ năm 2001 sau vụ tấn công khủng bố 11/9. Khi đó Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định rằng, việc chế tạo loại vũ khí này có thể nhanh chóng tiêu diệt được Osama Bin Laden trong trường hợp nếu phát hiện được nơi ẩn trú của hắn.
Tuy nhiên, vào năm 2010 và 2011, Lầu Năm Góc đã tiến hành những cuộc thử nghiệm thất bại, nên sau đó từ bỏ việc phát triển này. Rồi Lầu Năm góc lại hối hận về quyết định này của mình sau đó.
Tác giả của tờ báo khẳng định, cựu quan chức thuộc Bộ chỉ huy Không quân Mỹ - ông William LaPlante trong một cuộc trả lời báo chí gần đây thông báo rằng, các vấn đề đối với việc phát triển và ứng dụng công nghệ có liên quan tới việc Quân đội Mỹ đã quá "thả lỏng".
Mỹ đã quá "tự hào" và cho mình là tốt nhất, nhưng trong khi đó Nga và Trung Quốc lại có những kỹ sư rất giỏi, điều này cho phép các nước này bắt kịp Mỹ, ông William LaPlante kết luận.