Quản lý dịch vụ kính thuốc ở Hà Tĩnh (bài 2): Ngành chức năng “bó tay” với cơ sở không phép?!

(Baohatinh.vn) - Kinh doanh kính thuốc thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải đảm bảo các điều kiện cần thiết và do Sở Y tế Hà Tĩnh cấp phép. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động này trên địa bàn vẫn chưa đúng quy định, trong khi công tác quản lý của cơ quan chức năng vẫn còn bỏ ngỏ.

Dùng nhầm kính thuốc, rước họa vào thân

Nghe con phàn nàn nhìn không rõ, chị Phan Thị Lĩnh (TP Hà Tĩnh) đưa đi khám, kết quả mắt đã cận gần 2 diop. Đeo kính được một thời gian, cháu vẫn kêu nhức mắt, nhìn cứ mờ mờ, đưa đi khám lại, chị bất ngờ biết con không hề bị cận thị.

Chị Lĩnh cho biết, mới đầu, chị đưa con đi đo mắt tại một cửa hàng kính mắt thì nhân viên ở đó bảo cháu bị cận. Đeo kính, cháu nhìn rõ hơn hẳn nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại thấy khó nhìn, nhức mắt, chóng mặt. Đi khám bệnh viện chuyên về mắt thì cháu chỉ bị cận thị giả. May chưa đeo kính lâu, không thì cháu bị cận thật.

Quản lý dịch vụ kính thuốc ở Hà Tĩnh (bài 2): Ngành chức năng “bó tay” với cơ sở không phép?!

Việc lấy trục, tâm kinh cần được đào tạo bài bản.

Ở một trường hợp khác, do bị đo sai số nên mắt anh Lê Trung Hải (TP Hà Tĩnh) cũng bị ảnh hưởng không ít. “Trước đây, tôi có đi đo mắt ở một cửa hàng kính mắt trên địa bàn TP Hà Tĩnh. Sau khi đo bằng máy khúc xạ, người bán nói tôi bị cận thị, mắt phải 1,75 diop, mắt trái 1,5 diop và tiếp tục được đeo thử một số tròng kính có số độ khác nhau để lấy số đo chính xác cũng như được tư vấn cắt tròng kính ngay sau đó. Tuy vậy, ngay sau khi đeo kính, tôi bị nhức mắt, nhìn không rõ, có báo lại với người bán thì được trấn an đó là triệu chứng lúc mới đeo, sau sẽ ổn. Tình hình sau đó vẫn không cải thiện mấy nên tôi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì chỉ bị cận xấp xỉ 1 diop nên được tư vấn tập luyện mắt, uống thuốc bổ sung chứ chưa cần đeo kính” - anh Lê Trung Hải chia sẻ.

Bác sỹ Lê Công Đức - Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh cho biết, theo đúng quy trình, trước khi đo mắt cần khám xác định bệnh từ những người có chuyên môn, tiếp đó là các bước đo thực tế và điều chỉnh sự phù hợp của mắt với kính. Số liệu từ máy tự động chỉ để tham khảo, không phải căn cứ chính kết luận đơn kính. Việc cắt kính cũng phải đảm bảo đúng tâm, đúng trục mà muốn vậy thì người cắt phải được đào tạo bài bản.

Quản lý dịch vụ kính thuốc ở Hà Tĩnh (bài 2): Ngành chức năng “bó tay” với cơ sở không phép?!

Trình độ cắt kính tại các cơ sở không phép đang là dấu hỏi lớn

“Nguy hiểm nhất là tình trạng cận thị giả ở trẻ em. Có thể xảy ra trường hợp không bị cận hoặc viễn nhưng do điều tiết quá mức nên khi đo trên máy thì báo cận, viễn. Do đó, không chỉ kết quả từ máy mà quan trọng nhất là phải có bác sỹ chuyên khoa khám, làm liệt điều tiết lúc đó mới đo ra được kết quả chính xác” - bác sỹ Đức cho biết thêm.

Cũng theo bác sĩ Đức, việc sử dụng kính thuốc không chuẩn trong thời gian dài sẽ dẫn đến nhiều tác hại nghiêm trọng cho mắt. Trước mắt sẽ có các triệu chứng biểu hiện rõ như nhức mắt, nhức đầu, nhìn không rõ; tác hại lâu dài là bị nhược thị và dẫn đến lé/lác mắt.

Quy định có, quản lý khó

Theo lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế), Nghị định 109/2016/ NĐ-CP quy định rõ, để một cơ sở dịch vụ kính thuốc được cấp phép hoạt động phải đảm bảo các điều kiện bắt buộc về dụng cụ, thiết bị, chứng chỉ hành nghề về chuyên khoa mắt hoặc đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở dịch vụ kính thuốc trên địa bàn tỉnh không được cấp phép, cho nên các quy định của Nghị định 109 cũng không được thực hiện tại đây.

Điều này dẫn đến nghịch lý trong khi không ít khách hàng tìm đến các cơ sở dịch vụ không đảm bảo các điều kiện để gửi gắm tài sản quý giá là đôi mắt của mình thì ngành chuyên môn đành đứng ngoài cuộc.

Quản lý dịch vụ kính thuốc ở Hà Tĩnh (bài 2): Ngành chức năng “bó tay” với cơ sở không phép?!

Các thiết bị máy móc đo mắt được trang bị đầy đủ

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chánh thanh tra (Sở Y tế) cho biết: “Thực tế, có nhiều cơ sở trên biển quảng cáo đề kính thuốc nhưng khi đoàn vào kiểm tra họ nói chỉ kinh doanh kính thời trang. Trong khi đó, ở thời điểm đoàn kiểm tra, cửa hàng không có khách, không bắt được quả tang họ đo, cắt kính thuốc nên rất khó xử lý”.

Ở góc độ quản lý phương tiện đo là Sở KH&CN, mới đây, đoàn thanh tra liên ngành do cơ quan này chủ trì đã phát hiện nhiều vi phạm sau khi tiến hành thanh tra tại 21 cơ sở có sử dụng phương tiện đo (máy đo khúc xạ) ở các cửa hàng kính thuốc, kính mắt, kính thời trang đóng trên địa bàn một số địa phương trong tỉnh, thuộc phương tiện đo nhóm 2 theo quy định của Bộ KH&CN phải kiểm định 12 tháng/lần nếu tổ chức, cá nhân có trang bị trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Trên cơ sở kiểm tra, xác minh, các nội dung thanh tra cho thấy, 100% tổ chức, cá nhân chưa chấp hành các quy định trong sử dụng phương tiện đo. Theo đó, 7/21 phương tiện đo tiêu cự kính mắt có giấy chứng nhận kiểm định nhưng đã hết hiệu lực. 14/21 phương tiện đo tiêu cự kính mắt không có giấy chứng nhận kiểm định theo quy định”, ông Nguyễn Xuân Kiên - Chánh Thanh tra Sở KH&CN cho biết.

Như vậy, chưa tính đến yếu tố người thực hiện đo, cắt kính ở các cửa hàng kính trên thị trường, mà ngay cả máy móc - phương tiện đưa ra các số đo làm cơ sở để cắt kính cho người bị bệnh về mắt cũng khó đảm bảo chất lượng do không kiểm định hoặc đã hết hạn kiểm định.

Không đủ điều kiện để thực hiện việc đo, khám các tật khúc xạ cho người bệnh, tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh kính mắt, kính thuốc, kính thời trang vẫn đang mặc nhiên hoạt động ngoài vòng kiểm soát của các ngành chuyên môn. Việc chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở cung cấp kính thuốc lúc này đang là vấn đề cần thiết, cấp bách trước tình trạng bệnh về tật khúc xạ ngày càng gia tăng. Tuy vậy, trước khi có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, người dùng cần tìm hiểu kỹ và đến các cơ sở uy tín để khám, cắt kính thuốc, tránh làm hư hại tài sản quý giá - “giàu đôi con mắt” của chính mình.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Chủ đề Hà Tĩnh 24h

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.