Quản lý nhà nước về đất đai: Bao giờ hết dự án “treo”?!

(Baohatinh.vn) - Trong tiến trình phát triển KT-XH của tỉnh, hàng trăm tổ chức, cá nhân được giao đất, cho thuê đất triển khai các dự án đầu tư phát triển đã tạo động lực cho Hà Tĩnh “cất cánh”. Tuy nhiên, vẫn còn đó những dự án “treo” gây thất thoát, lãng phí ngân sách, tài nguyên, nguồn lực.

quan ly nha nuoc ve dat dai bao gio het du an treo

Gần 21.000 m2 đất của Nhà máy Bia Toàn Cầu (TP Hà Tĩnh) hoang phế bao nhiêu năm nay.

Sai phạm nhiều, lãng phí lớn

Thành phố Hà Tĩnh đứng đầu cả tỉnh trong việc giao đất, cho thuê đất và cũng là địa phương có số dự án có sai phạm về đất đai nhiều nhất. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn thành phố có 20 điểm với gần 44.000 m2 đất của các tổ chức sử dụng sai mục đích; 18 điểm với diện tích 159.441 m2 chậm tiến độ. Điển hình trong đó là gần 21.000 m2 đất của Nhà máy Bia Toàn Cầu hoang phế bao nhiêu năm nay.

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã kiểm tra, thanh tra 273 tổ chức với 392 thửa đất, có diện tích hơn 1.000 m2. Kết quả đã phát hiện 231 tổ chức có vi phạm trong công tác quản lý đầu tư, khai thác sử dụng đất đai.

Nhiều doanh nghiệp (DN) được “khoác cái áo quá rộng”, năng lực tài chính, quy mô hoạt động thì nhỏ trong khi diện tích đất cấp vượt quá nhu cầu sử dụng. Vì thế, DN đã tự ý cho các cá nhân, tổ chức khác thuê lại mặt bằng để sản xuất, kinh doanh. Cá biệt, có một số DN được giao đất không thu tiền nhưng không đầu tư mà cho tổ chức khác thuê lại như: Tổng đội Thanh niên xung phong xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn, Trung tâm Hướng nghiệp thủy sản Thanh niên xung phong thuộc Tỉnh đoàn.

Do không có năng lực tài chính, không có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả nên nhiều DN sau khi được cấp, cho thuê đất đã để đất hoang hóa, chậm đầu tư như dự án xây dựng bến cảng vật liệu xây dựng của Công ty CP Việt Nam 1 tại xã Đức Thịnh (Đức Thọ) hoặc có dự án đầu tư kém hiệu quả gây ô nhiễm môi trường.

Dự án không khả thi, đất đai được cấp sử dụng không hiệu quả nên đến thời điểm này, có 191 DN, tổ chức còn nợ nghĩa vụ ngân sách với tổng số tiền 110.301 triệu đồng. Trong đó có một số DN nợ đọng kéo dài, nợ đọng lớn (trên 2 tỷ đồng) như: Công ty CP Đầu tư Hưng Phú; Công ty CP VLXD Hà Tĩnh; Công ty TNHH Thiên An; Công ty CP Sắt Thạch Khê; cá biệt, Công ty TNHH Bảo Châu nợ đọng thuế trên 20 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng hạ tầng Phú Vinh trên 45 tỷ đồng… Một số DN được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chưa triển khai thực hiện dự án hoặc chuyển giao quyền sử dụng đối với khu đất nên chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính…

quan ly nha nuoc ve dat dai bao gio het du an treo

Công ty CPXD Đường bộ số 1 Hà Tĩnh sử dụng kém hiệu quả gần 8.000m2 đất tại trung tâm TX Hồng Lĩnh.

Cần những giải pháp mạnh

Thực trạng buồn trên, ngoài các lý do “lịch sử” về công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, những bất cập trong bồi thường, hỗ trợ GPMB thì những yếu kém trong thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư là yếu tố mang tính quyết định. Chính “lỗ hổng” này đã tạo cơ hội cho một số tổ chức, DN thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi trong việc xin cấp đất, giao đất.

Theo Luật Đất đai năm 2013, đất được giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng thì sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên, “hành trình” thu hồi đất của các cấp chính quyền thật lắm gian nan.

Điển hình trong đó phải kể đến dự án khu du lịch Bắc Thiên Cầm của Công ty CP Đầu tư phát triển Thiên Cầm sau hơn 3 năm triển khai vẫn “nằm trên giấy”, 147 hộ dân vùng quy hoạch bị “treo trên mép sóng”. Thế nhưng, khi UBND tỉnh ra quyết định thu hồi, DN đã không chấp hành và làm đơn khởi kiện ra tòa án. Phải mất rất nhiều thời gian, qua nhiều phiên tòa bác đơn khởi kiện của Công ty CP Đầu tư phát triển Thiên Cầm, pháp luật mới được thực thi.

quan ly nha nuoc ve dat dai bao gio het du an treo

Công ty CP Đầu tư phát triển Thiên Cầm được UBND tỉnh cấp phép triển khai xây dựng khu du lịch Bắc Thiên Cầm có diện tích 266,4 ha, ở thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) nhưng sau hơn 3 năm cũng chỉ mới thực hiện được một vài hạng mục rồi dừng lại.

Hay như dự án Nhà máy Bia Toàn Cầu ở phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) được triển khai thực hiện từ năm 2006 đến nay vẫn chưa hoàn thành đưa vào sử dụng. Mặc dù năm 2011, tỉnh đã có thông báo di dời nhà máy ra khỏi địa bàn thành phố nhưng đến nay, công ty vẫn chưa thực hiện.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y cho biết: Công tác quản lý nhà nước về đất đai đã được HĐND tỉnh đưa vào chương trình nghị sự. Theo đó, UBND tỉnh cần thực hiện nghiêm túc việc thu hồi đất đối với các tổ chức vi phạm; kiểm tra, rà soát thực trạng, có giải pháp xử lý đối với những khu đất được giao cho DN nhà nước quản lý, sử dụng đất, đến nay đã giải thể hoặc hoạt động kém hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương truy thu hơn 110.301 triệu đồng tiền thuê đất của các DN còn thiếu.

Đọc thêm

Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Theo các chuyên gia, giá vàng hạ nhiệt do đồng USD mạnh lên sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng thời chịu áp lực do lập trường ủng hộ bitcoin của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay khó giảm thêm vì rủi ro của nền kinh tế đang ở mức cao và tỷ giá có thể diễn biến phức tạp. Chi tiết có trong Bản tin Tài chính thị trường ngày 12/11 của Báo Hà Tĩnh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.