Những đêm cao nguyên trời se se lạnh, mẹ thường kể cho tôi nghe cái ngày gia đình rời quê hương vào Tây Nguyên đi kiếm tìm cuộc mưu sinh nơi vùng đất mới. Mẹ nói rằng, ngày ấy tôi chưa có mặt trên đời. Đã ngót 10 năm gia đình tôi chưa về lại cố hương. Quê tôi ở mãi ngoài Hà Tĩnh xa lăng xa lắc. Cũng chẳng hiểu sao, lâu nay, Ngọc Anh, người yêu tôi - một cô giáo 8X, dạy Văn trường làng, gốc gác Nghi Xuân, nhưng sinh ra ở cao nguyên cứ bần thần. Một bữa em nói với tôi:
- Hai đứa mình yêu nhau đã mấy năm rồi, vậy mà em chỉ biết “quê hương gừng cay, muối mặn” của mình theo lời anh kể. Chúng mình cũng cần về quê một chuyến để cho em biết quê nhà ra sao, với lại còn ra mắt chú, bác, cô, dì, anh ạ.
Một góc thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân. Ảnh: Thành Nam.
“Được lời như cởi tấm lòng”, tôi mừng quá, liền cùng em khăn gói lên đường. Đoàn tàu trên đường ra Bắc, vừa qua hầm Đèo Ngang đã thấy nắng loa lóa và gió nóng hầm hập rú rít ngoài cửa sổ. Sáng ấy, chân ướt chân ráo tới quê, Ngọc Anh đã đòi ra biển. Vừa hay, hai đứa gặp bác Nguyễn Thanh Nam, một ngư phủ gắn bó với biển cả cuộc đời. Đứng trên bãi biển, nhìn con đê bằng bê tông sừng sững chạy dài tít tắp bên bờ sóng, em không khỏi sững sờ. Hình như đoán được ý nghĩ của em, bác Nam cười:
- Biển làm cháu bất ngờ lắm phải không?
- Dạ! Bất ngờ lắm bác ạ. Cháu sinh ra ở Tây Nguyên, chưa được đến biển bao giờ. Nghe bố mẹ và những người dân quê mình di cư vào trong đó lập nghiệp kể về biển, về bão tố, về lũ lụt kinh hoàng lắm. Cháu cũng đã xem phim ảnh, đã tưởng tượng về biển nhưng về đây được nhìn tận mắt thì thấy… lạ quá. Bà con quê mình sống chung với biển, với bão tố thế này gian nan lắm phải không bác?
- Là giáo viên, hẳn cháu đã biết câu “muối ba năm muối đương còn mặn, gừng chín tháng gừng hãy còn cay…”! Ấy là cái “tình nặng, nghĩa dày” của tình người quê mình với nhau, với quê hương, sông, biển. Khi người ta đã yêu, đã gắn bó với nhau, gắn bó với quê hương, với biển… gian nan, thử thách mô mà nỏ vượt qua.
Dừng một lát, khoát rộng vòng tay về phía biển, phía sông, tiếng bác Nam trầm xuống:
- Các cháu biết không, vùng đất ni giống như một bán đảo nằm kẹp giữa ba bề sóng nước. Sông Lam xiết chảy phía Tây, biển cả phía Đông, phía Bắc sóng cồn Cửa Hội. Nói chi những ngày biển động, khi biển lặng, đứng bên bờ sông Lam cũng nghe rõ tiếng sóng biển vỗ bờ. Những ngày lũ lụt, đứng bên bờ biển, nghe cả tiếng nước chảy réo sôi phía dòng sông. Rứa đó cháu ạ, nên lũ lụt, bão tố rình rập thường xuyên. Đã mưa là mưa thối đất, đã bão là bão xiêu trời. Phía Tây, sông Lam đưa lũ thượng nguồn về cuồn cuộn. Phía Đông, biển dâng sóng ngoạm bãi, lấn bờ. Ngày trước đất nước vừa qua chiến tranh, Nhà nước đâu có tiền xây những con đê bê tông vững chãi để chắn bão giông mà chỉ đủ sức vận động bà con đắp được những con đê bằng đất. Đê bằng đất chống răng được gió to, sóng cả; chống răng được bão giật, sóng tràn. Bão đến, nước sông Lam hợp sức cùng gió bão xé toang đê sông, xói ruộng nương thành sông, thành hói, cuốn trôi nhiều ngôi nhà của người dân. Đất không nuôi nổi người, người đành gạt nước mắt rời bỏ quê nhà lặn lội đi tìm cuộc mưu sinh nơi vùng đất mới. Người đi đã vậy, người ở lại đâu có được yên. Cứ đến mùa mưa bão là lo ngay ngáy... Ai cũng mong có được con đê chắc chắn chống được nước xiết, chắn được gió to, sóng cả để yên phận làm ăn…!
Kể đến đó, giọng bác tôi nghèn nghẹn. Hình như Ngọc Anh cũng đang xúc động. Em run run cầm lấy bàn tay tôi như kiếm tìm sự sẻ chia…
Cầu Cửa Hội nối đôi bờ sông Lam. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải
Bác Nam cùng tôi và em thong thả đi dọc con đê về hướng Cửa Hội. Trời tháng 8 cao xanh vời vợi. Nhìn biển dâng ngàn con sóng trắng vỗ vô hồi vào thân đê, Ngọc Anh reo lên:
- Đẹp quá, kỳ vĩ quá!
- Đúng là đẹp và kỳ vĩ thật! - Bác Nam gật gù xác nhận.
- Quê mình giờ đẹp được thế này là nhờ người dân biết chế ngự biển, chế ngự sông. Hà Tĩnh đã quyết tâm xây dựng những con đê biển và đê sông bằng bê tông. Mỗi con đê có chiều rộng 5-6m, cao cả chục mét và dài hàng chục km. Vùng quê ta đây, phía Tây có đê ngăn lũ sông Lam, phía Đông có đê biển bằng bê tông chừng 10 km chạy từ Đan Trường đến Xuân Hội, lại có cầu Cửa Hội - chiếc cầu dài nhất miền Trung bắc qua sông. Xe cộ, dân tình đi lại thông thương thuận tiện. Giờ đây, hàng nghìn ha đất canh tác, hàng nghìn ha nuôi trồng thủy sản không còn sợ bị nước lũ đánh vỡ bờ. Phía Đông có con đê biển bảo vệ, làng xóm không còn sợ sóng đập, sóng tràn, đất đai bình yên.
Cửa sông Lam, trước gọi là cửa Đan Nhai, nay gọi là cửa Hội. Ảnh: Đậu Hà
Bác Nam chỉ tay về phía những cánh đồng trong đê đang mùa thu hoạch, lại chỉ về phía các ô nuôi tôm trên cát, lấp loáng ánh nước màu ngũ sắc được các giàn quạt khí tung lên như hoa dưới mặt trời; rồi khoát tay về phía xóm làng lô nhô những ngôi nhà cao tầng, cất giọng vui vẻ:
- Các cháu nhìn xem, từ ngày đê biển và đê sông được bê tông hóa, đất đai có phên dậu chở che bình yên; có nhiều dự án kinh tế vùng bãi ngang này ra đời. Hàng chục km đường sinh thái, đường liên thôn được mở rộng, đổ bê tông, láng nhựa đã thay thế hoàn toàn các con đường đất bụi mù, chật hẹp. Các ngành nghề như mộc, xây dựng, dịch vụ… nở rộ khắp các thôn xóm. Nói chi xa, ngay ở xã mình, nhiều con em đi xa làm ăn phát đạt trở về quê mang theo dự án xây dựng các trang trại, khu du lịch sinh thái biển… làm đẹp, làm giàu cho quê hương.
Bình minh cửa Hội. Ảnh: Đặng Thiện Chân
Chia tay bác Nam, tôi bồi hồi nắm chặt bàn tay Ngọc Anh. Trước mặt chúng tôi con đê biển sừng sững như một gạch nối giữa biển mùa thu thăm thẳm xanh và bầu trời xanh cao lồng lộng. Gió biển phóng khoáng xõa tung mái tóc đang bồng lên của Ngọc Anh. Tôi nhìn em:
- Em thấy biển, thấy “quê hương gừng cay, muối mặn” chúng mình có đẹp không?
- Đẹp lắm anh ạ! Vẫn biết trên con đường đi lên đang còn lắm thử thách những khối óc, bàn tay cần lao của những con người Hà Tĩnh quê mình. Nhưng em thấy chuyện về biển, về con người, về “miền quê gừng cay, muối mặn” tươi đẹp của chúng mình đúng là “tình nặng, nghĩa dày” lắm anh ạ…