Ảnh: Thời báo Tài chính
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh và lãnh đạo Sở Tài Chính, Kho bạc Nhà nước chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh. Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải và các sở, ngành liên quan.
Thu ngân sách tăng 13,9% so với cùng kỳ
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, trên cơ sở theo dõi chặt chẽ tình hình, đánh giá những khó khăn, thách thức phát sinh trong việc thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách 2017, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng các kịch bản tăng trưởng nhằm đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, giữ bội chi và tổng mức vay của ngân sách Nhà nước năm 2017.
Ảnh: Thời báo Tài chính
Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan chú trọng triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ các khoản thu, khai thác nguồn thu, mở rộng các cơ sở thuế; đẩy mạnh chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế…
Trong điều hành đã tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các chính sách mới về tài chính, thuế phù hợp với tình hình thực tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác thu ngân sách…
Tính đến hết tháng 6/2017, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 563,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán, tăng 13,9% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, thu nội địa đạt 451.200 tỷ đồng (bằng 45,6% dự toán), thu từ dầu thô ước đạt 23 nghìn tỷ (bằng 60,1% dự toán) và thu từ xuất nhập khẩu đạt 141.000 tỷ đồng (bằng 49,4% dự toán).
Theo phân tích từ tổng thu, thu ngân sách Trung ương mới đạt 41,5% dự toán do tiến độ các khoản thu nội địa đạt thấp; thu ngân sách địa phương cơ bản đạt khá và tăng so với cùng kỳ. Chi ngân sách Nhà nước 6 tháng ước đạt 582,96 nghìn tỷ đồng. Trong đó đã sử dụng khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương 2017 để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, hỗ trợ giống… Cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương được đảm bảo.
Đặc biệt, công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp… được toàn ngành tích cực triển khai. Trong đó, riêng về lĩnh vực cải cách hành chính trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện rà soát 270 thủ tục, đơn giản hóa, bãi bỏ một số thủ tục không cần thiết; mở rộng hệ thống khai thuế qua mạng, hoàn thuế điện tử và hóa đơn điện tử; triển khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử, kết nối 40 hãng hàng không để kịp thời nắm bắt thông tin hàng hóa nhập khẩu…
Quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính – ngân sách 2017
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao một số nhiệm vụ tài chính – ngân sách 6 tháng đầu năm đã đạt kết quả tương đối khả quan như kinh tế vĩ mô ổn đinh và tiếp tục tăng trưởng; tỉ lệ lạm phát giảm so với cùng kỳ, thị trường chứng khoán, tín dụng khởi sắc; chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa chặt chẽ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đảm bảo thu chi ngân sách theo lộ tình; quan tâm đến xây dựng thể chế… Đó là kết quả của sự nỗ lực toàn ngành, góp phần xứng đáng trong việc thực hiện mục tiêu KT-XH toàn quốc trong 6 tháng đầu năm.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: VGP/Thành Chung
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ phân tích một số điểm yếu chung của nền kinh tế trong đó có vai trò của ngành Tài chính khi tăng trưởng chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng, cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt mục tiêu; giải ngân vốn đầu tư công chậm tác động tiêu cực đến thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động; doanh nghiệp khó khăn; các vấn đề tái cơ cấu kinh tế, giải quyết nợ công, xử lý nợ xấu chưa hiệu quả…
Với quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính – ngân sách 2017, bên cạnh những giải pháp ngành Tài chính đã xây dựng, Phó Thủ tướng yêu cầu toàn ngành tiếp tục tập trung cao độ chỉ đạo hoàn thành và hoàn thành vượt mức thu chi ngân sách 2017.
Theo đó, cố gắng tăng thu 5 - 8 % bằng các giải pháp như quản lý chặt nguồn thu, chú trọng thu nội địa, mở rộng cơ sở thuế. Công tác chi ngân sách đảm bảo chi theo dự toán, “coi tiết kiệm chi ngân sách là quốc sách”; đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo đề án đã được duyệt; triển khai tái cơ cấu hệ thống chứng khoán, bảo hiểm; hoàn thiện pháp luật về cổ phần hóa và thoái vốn; kiểm soát tốt lạm phát và có kịch bản điều hành hợp lý…
Tại Hà Tĩnh, thu ngân sách nội địa 6 tháng đạt 2.588 tỷ đồng (bằng 43% dự toán tỉnh giao, 45% dự toán Bộ Tài chính giao), thu xuất nhập khẩu đạt 1.152 tỷ đồng (bằng 68% dự toán tỉnh giao, 74% dự toán Bộ Tài chính giao), thu để lại chi đạt 22 tỷ đồng, thu bổ sung từ ngân sách Trung ương 3.575 tỷ đồng; chi ngân sách đạt 6.196 tỷ đồng, bằng 48% dự toán tỉnh giao. Nhìn chung, tiến độ thu đạt thấp so với chỉ tiêu giao, đặc biệt là cơ cấu nguồn thu thực tế không đáp ứng như dự kiến và tiền sử dụng đất có xu hướng tăng cao trong tổng thu nên khả năng cân đối ngân sách để đảm bảo các nhiệm vụ chi rất khó khăn. Việc cân đối ngân sách để bố trí nguồn vốn đối ứng các dự án đang gặp khó khăn vì dự toán đã phân bổ từ đầu năm. Nhu cầu về vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành của các công trình, dự án rất lớn nhưng trong điều kiện ngân sách hạn chế nên mới chỉ đáp ứng một phần. |