Tổ hợp sản xuất ôtô, xe máy điện của VinFast ở Hải Phòng. (Ảnh: Reuters)
Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh VinFast - một thành viên của Tập đoàn Vingroup - đang trong hành trình trở thành nhà sản xuất ôtô Việt Nam đầu tiên khi chiều 2/10 (giờ Việt Nam), hai mẫu xe đầu tiên của thương hiệu Việt dưới dạng concept sẽ được ra mắt tại triển lãm ôtô Paris. Sản phẩm thương mại dự kiến bán ra thị trường Việt Nam vào tháng 8/2019.
Ông Shaun Calvert, Phó chủ tịch sản xuất VinFast, vừa nhìn về phía nơi mà 9 tháng trước đây mới chỉ là đầm tôm, đồng muối, nhưng nay đã trở thành một tổ hợp sản xuất ô tô, xe máy điện quy mô, áp dụng công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới tại khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng, vừa nói: “Bạn có thể làm được điều này ở đâu trên thế giới với tốc độ này?”. Tổ hợp sản xuất ôtô, xe máy điện tại Hải Phòng sẽ là nơi hai mẫu xe hơi đầu tiên của VinFast được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Trong giai đoạn đầu 5 năm, năng lực sản xuất của VinFast là 250.000 xe/năm, tương đương 92% tổng số xe ôtô được bán ra tại Việt Nam năm ngoái, theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA).
Vingroup cho biết tập đoàn này mới chỉ bắt tay vào việc tạo ra VinFast chưa đầy một năm trước và đã dành khoảng 3,5 tỷ USD cho dự án.
Tổng giám đốc VinFast - ông James B. DeLuca. (Ảnh: Reuters)
Chia sẻ trước ngày triển lãm ôtô Paris chính thức khai mạc, ông James DeLuca, Tổng giám đốc VinFast cho hay: “Chúng tôi đang thúc đẩy để thị trường ôtô trong nước mở rộng nhanh chóng, vậy nên chúng tôi sẽ hoàn toàn tập trung để giành chiến thắng ở đây trước tiên. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tìm cách mở rộng ra thị trường ASEAN và cả bên ngoài”.
Hầu hết các ôtô được bán tại Việt Nam là các thương hiệu nước ngoài được lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, một loạt các hiệp định thương mại tự do đã làm giảm thuế nhập khẩu và dần mở cửa thị trường. Thuế nhập khẩu ô tô từ các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã giảm từ 30% về 0% trong năm nay.
Xe máy điện
Vingroup đã thống trị thị trường bất động sản Việt Nam với Vinhomes, bước vào thị trường chăm sóc sức khỏe với Vinmec, điều hành một chuỗi siêu thị có tên Vinmart và mang đến những kì nghỉ tuyệt vời cho khách du lịch tại các khu nghỉ dưỡng Vinpearl.
“Có lẽ khoảng 4 triệu khách hàng ngày nay đang tương tác với Vingroup theo cách này hoặc cách khác, vậy nên nó là một thương hiệu lớn, một thương hiệu đầy khát vọng, và những khách hàng của Vingroup đã sẵn sàng cho một sản phẩm nội địa như VinFast”, ông Deluca nói.
Tại một đất nước vốn đã quá quen thuộc với hình ảnh những chiếc xe máy chen chúc nhau giờ cao điểm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, VinFast cũng sẽ sản xuất 250.000 xe máy điện một năm song song với việc sản xuất 250.000 xe ôtô.
VinFast cũng đã bắt tay với công ty EDAG Engineering GmbH (EDAG) của Đức để bắt đầu phát triển ôtô điện và sẽ sớm giới thiệu mẫu xe này trong tương lai, Tổng giám đốc VinFast cho biết thêm.
“Chúng tôi cảm thấy đối với danh mục đầu tư xe hơi, tốt nhất nên bắt đầu bằng động cơ đốt trong, tiếp đó là xe điện. Việc sạc điện cho một chiếc xe tay ga dễ hơn rất nhiều so với ôtô”, ông Deluca nói.
VinFast phát triển nhanh một phần nhờ vào sự hợp tác với các tên tuổi hàng đầu thế giới. Hai mẫu xe đầu tiên của VinFast, một chiếc SUV và một chiếc sedan, được phát triển dựa trên khung gầm của BMW. Hai hãng AVL (Áo) và Magna (Canada) phụ trách tư vấn kĩ thuật và sản xuất ô tô. Hãng Pininfarina (Italy) phụ trách thiết kế.
“Những điều này mang đến cho chúng tôi khả năng hoàn thiện rất nhanh và cuối cùng là cho ra đời một chiếc xe 100% chỉ của chúng tôi và không giống bất kỳ một chiếc xe nào khác đang di chuyển trên đường phố hiện nay”, Tổng giám đốc VinFast nói.
“Niềm tự hào dân tộc”
VinFast cũng đã tuyển mộ các nhân sự cấp cao đình đám. Ít nhất 5 trong số các lãnh đạo của VinFast, bao gồm cả ông Deluca và ông Calvert, đều là những người cũ của General Motors (GM).
Hồi tháng 6 mới đây, VinFast và GM (Mỹ) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược mới tại thị trường Việt Nam. Theo đó, VinFast mua lại hoạt động sản xuất và phân phối của GM tại Việt Nam.
Hãng xe Việt sẽ nhận chuyển nhượng, tiếp quản toàn bộ nhà máy GM tại Hà Nội và triển khai những hoạt động đầu tư tăng năng lực để sản xuất dòng ôtô cỡ nhỏ mới được mua bản quyền từ GM. Dây chuyền sản xuất mới dự kiến sẽ khánh thành vào nửa đầu năm 2019.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế mà VinFast có được, việc chuyển sang ngành công nghiệp ôtô cạnh tranh cao không phải không chứa đựng những rủi ro.
Các công ty lắp ráp ôtô Việt Nam đã thử và thất bại ngay tại thị trường nội địa với việc bán các mẫu xe tự sản xuất. Trong khu vực, các công ty như Proton của Malaysia hay Holden của Australia đã phải vật lộn để có đạt được doanh số bán khả quan ở nước ngoài.
Chủ tịch Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên từng ôm mộng sản xuất ôtô nội địa hóa nhưng đã phải bỏ dở năm 2012 trước khi chiếc xe đầu tiên được chính thức ra mắt. Ông Huyên nói rằng lợi thế vốn lớn sẽ giúp ích cho Vingroup tuy nhiên việc xây dựng thương hiệu sẽ mất không ít thời gian.
“Bạn phải chuyển từ sản xuất xe hơi nhỏ và rẻ sang những chiếc xe sang trọng”, ông Huyên nói. “Sẽ mất vài năm để một nhà sản xuất ôtô mới tinh chỉnh sản phẩm của mình và giành được lòng tin của người tiêu dùng. Cả quá trình này sẽ mất từ 10 đến 20 năm”.
Ông Deluca cho biết các mẫu xe đầu tiên của VinFast sẽ có giá “rất hợp lý” để thu hút khách hàng trong nước, nhưng từ chối đưa ra chi tiết về giá cả.
Tuy nhiên, hãng tin Reuters nhận định, ở một đất nước nơi có hàng trăm nghìn người đổ ra đường vẫy cờ Tổ quốc ăn mừng thành tích vừa phải của đội tuyển bóng đá nam U23, VinFast có thể trông đợi vào một lợi thế cạnh tranh bổ sung cho hãng.
“Chúng tôi nghĩ niềm tự hào dân tộc là một lợi thế to lớn cho VinFast. Những gì chúng tôi đang làm ở đây là điều đặc biệt cho cả đàn ông và phụ nữ Việt Nam” - ông Deluca nói.