Chị Thu H. ở Lộc Hà đau đầu vì mua phải mỹ phẩm “rởm” bán qua mạng xã hội
Ma trận mỹ phẩm “fake” online
Công việc thường xuyên giao tiếp với khách hàng nên chị Thu H. (40 tuổi) - một người kinh doanh ở Lộc Hà luôn có nhu cầu làm đẹp.
Chị Thu H. cho biết: “Trong 9 tháng qua, tôi đã mua gần 20 sản phẩm làm đẹp trên mạng như: kem dưỡng da, kem trị nếp nhăn, vitamin trắng da, nước hoa, son môi…, nhưng hầu như chất lượng các sản phẩm đều không như quảng cáo. Có sản phẩm còn khiến tôi cảm thấy “sợ hãi” sau khi dùng một thời gian”.
Khi được hỏi vì sao “mắc” rồi mà vẫn mua nhiều thế, chị Thu H. thành thật: “Mỗi lần lướt facebook là cứ bị lóa mắt bởi những lời quảng cáo hấp dẫn từ người bán hàng online”.
“Ma trận” các gian hàng mỹ phẩm online trên mạng xã hội. Ảnh chụp từ facebook
Còn bạn Đặng Ph., (một sinh viên Đại học Hà Tĩnh) sau nhiều lần mua phải mỹ phẩm “fake” trên mạng đã lên facebook than thở: “Quần áo, giày dép “fake” đã đành đến Mỹ phẩm cũng “fake”, đúng là không biết tin ai nữa".
“Mỗi ngày vào mạng xã hội rất dễ rơi vào “ma trận” của mỹ phẩm. Chẳng biết cái nào thật, cái nào rởm. Chỉ nghe, nhìn quảng cáo là thấy thích, thấy muốn sở hữu”, chị Hương T. (34 tuổi, TP Hà Tĩnh), nhân viên chăm sóc khách hàng ở một ngân hàng trên địa bàn thành phố bày tỏ.
Những mỹ phẩm mà chị Thu H ( Lộc Hà) mua trong 9 tháng qua, “dùng mãi” không có hiệu quả. Ảnh NVCC
Chị Hương T. cho biết: “Chị cũng đã rất nhiều lần mua phải mỹ phẩm “rởm” đội lốt hàng xách tay từ Mỹ, Đức, Nhật, Hàn… qua quảng cáo của một vài người quen bán hàng trên mạng xã hội… Vì tin vào người bán hàng là người quen nên chị vẫn bị rơi vào “ma trận” của các gian hàng mỹ phẩm “ảo”.
Hệ lụy từ mỹ phẩm “fake”
Chị Thu H. than thở: “20 sản phẩm mua về không dùng được, chị tốn khoảng 7 triệu đồng. Số tiền không phải quá lớn đối với người kinh doanh như chị, nhưng điều khiến chị ấm ức là mất tiền vào thứ vô bổ. Đáng lẽ ra với số tiền tiêu cho lô mỹ phẩm “fake” các chị có thể làm được nhiều việc khác có ích hơn”.
Hậu quả từ việc dùng phải mỹ phẩm “rởm” kém chất lượng. Ảnh internet
Không những thế, rơi vào ma trận mỹ phẩm “fake” đã để lại không ít hệ lụy về sức khỏe. Chị Thu H. kể cách đây khoảng 2 tháng chị mua một lọ vitamin trắng da, được người bán quảng cáo trên mạng là uống vào sẽ hết mụn, da sẽ trắng lên chỉ sau 1 tuần.
Sau một tuần dùng thử, toàn thân chị bỗng nổi nhọt khắp nơi. Đưa lọ thuốc đến một chuyên gia nhờ xem hộ, chị mới ngã ngữa ra thứ chị đang dùng là hàng rởm. Cũng may chị dừng kịp thời chứ không thì hậu quả không biết sẽ thế nào.
Còn bạn Đặng Ph. đã phải đến gặp bác sĩ da liễu và được kê đơn điều trị một thời gian dài vì xài kem trộn đội lốt hàng “xịn” xách tay từ Hàn Quốc…
Cần kiểm tra và dùng thử sản phẩm trước khi mua
Làm thế nào để nhận ra hàng “fake”, từ kinh nghiệm của mình, chị Nh. Y (từng kinh doanh shop mỹ phẩm) ở TP Hà Tĩnh chia sẻ: Nếu là người đã dùng mỹ phẩm xịn thì hàng “fake” chỉ cần ngửi mùi, thử lên da là biết ngay. Nếu là hàng xịn thì mùi thường tinh tế và dịu nhẹ, còn hàng “fake” thì nồng, đậm, hắc. Các loại kem, son môi... xịn thường mịn bôi vào da rất nhanh thẩm thấu nhưng hàng rởm thì có không được như vậy: kem thô, cảm nhận được độ xáp khi thoa lên da… Ngoài ra cần chú ý đến giá cả và mã vạch đối với hàng xách tay.
Một sản phẩm mỹ phẩm từng được quảng cáo rầm rộ trên mạng vừa bị đình chỉ lưu hành do phát hiện chứa chất corticoid – chất gây bào mỏng da, gây nghiện cho da, mỏng giác mạc, viêm da,… Ảnh từ internet.
“Mua hàng online và nhất là mỹ phẩm không được dùng thử nên rủi ro hàng rởm là rất cao”, chị Nh. Y. thông tin thêm.
Mỹ phẩm “fake” mang tên hàng “xịn” xách tay từ nước ngoài về vẫn không ngừng được quảng cáo trên mạng xã hội. Có thể đó là từ những bạn bè, người quen của bạn rao bán. Để tránh mua phải hàng “fake”, những người nhiều kinh nghiệm khuyến nghị mọi người phải kiểm tra và dùng thử sản phẩm trước khi mua.
Tốt nhất, đối với mặt hàng liên quan đến sức khỏe, sắc đẹp này chị em nên đến những địa chỉ được cấp phép kinh doanh và có uy tín, tìm hiểu thông tin sản phẩm kỹ trước khi quyết định sử dụng.