EU muốn trở thành nhà đầu tư số 1
Sách Trắng 2017 do Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố ngày 2/3/2017 tại Hà Nội nhận định, bên cạnh hàng loạt những thay đổi về pháp lý, sự tăng trưởng không ngừng của Việt Nam còn nhờ một số yếu tố cơ bản khác. Chẳng hạn, Việt Nam hiện đang trong thời kỳ dân số vàng với 25% trong số trên 90 triệu dân thuộc độ tuổi 10-24. GDP bình quân trên đầu người đang tăng nhanh chóng do tầng lớp trung lưu tại Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á.
“Với chi phí nhân công tương đối thấp, đồng thời nằm ở vị trí cầu nối và trung tâm trong khu vực ASEAN, ngày càng có nhiều NĐT nước ngoài chọn Việt Nam làm địa điểm kinh doanh để phục vụ thị trường tại khu vực Mê Kông và các khu vực khác”, Sách Trắng cho biết.
Không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư nước ngoài |
Một yếu tố hấp dẫn khác là việc Chính phủ Việt Nam luôn hoan nghênh nguồn vốn FDI, đặc biệt là vào các hoạt động sản xuất. Lộ trình mở cửa dần với hầu hết các ngành dịch vụ theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam đã hoàn tất vào năm 2015. Thậm chí trong một số ngành và lĩnh vực, pháp luật trong nước đã nới rộng khả năng tiếp cận thị trường vượt ngoài các cam kết WTO. Ví dụ, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của NĐT nước ngoài tại các công ty đại chúng từ giới hạn ban đầu ở mức 49% thì nay đã lên đến 100%, trừ một số trường hợp ngoại lệ.
Theo ông Bruno Angelet, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, những thành tựu của kinh tế Việt Nam trong thời gian qua là nhờ bước đi đúng đắn mà Việt Nam đã thực hiện, với khát vọng trở thành một thành viên hội nhập toàn diện vào hệ thống kinh tế quốc tế.
Các chính sách kinh tế vĩ mô được triển khai hợp lý với tỷ lệ lạm phát được duy trì ở mức một con số, môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện đã giúp gia tăng niềm tin của các NĐT. Đây cũng là yếu tố giúp cho nguồn vốn FDI chảy vào Việt Nam liên tục đạt mức cao trong những năm trở lại đây. Xu hướng trên cũng không phải là ngoại lệ với các NĐT từ châu Âu.
“Với số vốn đầu tư liên tục tăng trong thời gian gần đây, trong tương lai EU muốn trở thành đối tác đầu tư số 1 tại Việt Nam”, ông Bruno Angelet cho biết. Điều này càng có cơ sở trở thành hiện thực với Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) mà hai bên đã hoàn tất đàm phán, ký kết và đang nỗ lực cao nhất để EVFTA bắt đầu có hiệu lực từ năm 2018.
Tiếp tục tháo gỡ những trở ngại
Mặc dù nhìn nhận về tổng quan là tích cực, và triển vọng rất lạc quan, nhưng cộng đồng DN châu Âu tại Việt Nam, qua hoạt động thực hiện kinh doanh của mình, cũng cho rằng còn nhiều vấn đề về hệ thống hành chính, pháp lý liên quan đến các ngành, liên ngành cần cải thiện.
“Một vấn đề được các thành viên của chúng tôi đề cập đó là nhiều NĐT nước ngoài vẫn đang gặp phải những trở ngại khi làm việc với với hệ thống hành chính của Việt Nam. Việc khai báo thuế, thông quan, đăng ký kinh doanh và các thủ tục hành chính khác vẫn bị chậm trễ, kết quả xử lý hồ sơ không lường trước được. Điều này khiến các DN phải tiêu tốn nhiều nguồn lực cho các thủ tục hành chính mà đáng lẽ có thể sử dụng để phát triển các hoạt động kinh doanh trọng tâm của mình”, Sách Trắng nêu.
Đơn cử về vấn đề kiểm tra chuyên ngành, theo bà Đỗ Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tiểu ban Vận tải và Hậu cần của Eurocham, dù đã có Thông báo số 451/TB-VPCP về việc tiếp tục rà soát các văn bản pháp lý về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (đặc biệt là 73 nhóm tại Danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg) để sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, nhưng đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc, chậm được sửa đổi hoàn thiện. Hay quy trình kiểm tra các thiết bị đã qua sử dụng còn phức tạp và làm phát sinh thêm chi phí vận tải cho các nhà nhập khẩu…
Do đó theo bà Thủy, Chính phủ và các Bộ, ngành nên tổ chức các buổi trao đổi với các hiệp hội DN Việt Nam và nước ngoài để cập nhật những điều chỉnh, thay đổi cũng như ghi nhận các ý kiến phản hồi của DN để cải thiện vấn đề này.
Phản ánh việc áp dụng các hiệp định về thuế giữa Việt Nam với các nước, ông Thomas McClelland, Chủ tịch Tiểu ban Thuế và Chuyển giá của Eurocham cho biết, hiện Việt Nam đã ký kết 75 hiệp định về thuế với các nước nhưng trong thực tế, các công ty nước ngoài và cá nhân rất khó vận dụng những lợi ích của các hiệp định về thuế tại Việt Nam. Theo quy định, hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo hiệp định cần được thông báo trước với cơ quan thuế địa phương. Tuy nhiên, cơ quan thuế lại không yêu cầu bất kỳ trả lời chính thức hay xác nhận để được cấp.
“Do những vấn đề như vậy, NĐT nước ngoài cân nhắc chọn Việt Nam làm địa điểm kinh doanh nhận định là họ sẽ không có được lợi ích gì từ các hiệp định về thuế này”, ông Thomas McClelland cho hay.
Sách Trắng 2017 cũng nêu rõ, mặc dù vẫn còn một số vấn đề tồn tại, Chính phủ Việt Nam cũng đã ghi nhận và nắm bắt được các điều kiện cần thiết để duy trì mạnh mẽ dòng vốn đầu tư từ nước ngoài. Thông qua việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho các NĐT nước ngoài, dòng vốn FDI vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng. Đối với nhiều NĐT nước ngoài, sự phát triển tích cực của nền kinh tế cùng với các điều kiện nền tảng thuận lợi của Việt Nam vẫn là những yếu tố hấp dẫn, thu hút họ.