Chưa đến 4 giờ sáng nhưng vợ chồng anh chị Nguyễn Văn Quý (SN 1974), Nguyễn Thị Hường (SN 1976) - chủ Cơ sở sản xuất giò chả Hường Quý (thôn Quang Trung, xã Thịnh Lộc) đã bắt đầu chuẩn bị cho một ngày sản xuất mới. Hôm nay, cơ sở đặt mua 30 kg thịt để làm giò lụa phục vụ mối khách hàng quen và quán bán đồ ăn sáng của gia đình.
Khi cơ sở giết mổ mang thịt đến, anh Quý nhanh chóng rửa sạch, khử khuẩn bằng nước muối pha loãng và thực hiện các bước sơ chế khác. Tiếp đó, anh bỏ từng phần thịt đủ cho 1 lượt xay (2 kg/phần) vào các nồi inox, tẩm ướp gia vị trước khi chế biến.
Từ 4 - 6 sáng, các thành viên trong gia đình luôn tất bật với nhiều công đoạn sản xuất như: lọc da, ướp thịt, xay nhuyễn nguyên liệu, bọc lá chuối, đổ khuôn, cho vào nồi hấp 1 giờ, làm lạnh, hút chân không, dán tem nhãn...
Để sản phẩm đạt chất lượng, anh Quý đã lựa chọn thịt lợn mới mổ, có nguồn gốc rõ ràng, trong thịt có pha lẫn 15% mỡ... Các loại gia vị được dùng (nước mắm, tiêu, mì chính, tỏi, hạt nêm, đường...) cũng lựa chọn những loại có chất lượng tốt để sản phẩm thơm ngon. Ngoài ra, cơ sở cũng không dùng các chất phụ gia bị cấm, những loại nguyên liệu không an toàn.
Anh Nguyễn Văn Quý chia sẻ: “Cách đây hơn 15 năm, tôi sang Thái Lan làm việc trong một cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh giò chả nên đã được làm quen với loại thực phẩm này. Sau 3 năm về nước, tôi tiếp tục làm việc ở một cơ sở sản xuất giò truyền thống ở thành phố Hà Tĩnh và được họ truyền dạy bí quyết làm nghề. Cách đây hơn 10 năm, tôi về quê vận dụng kiến thức, kinh nghiệm và học hỏi thêm những điều mới để mở cơ sở sản xuất chuyên cung cấp các loại giò lụa, xúc xích, chả chiên...”.
Đầu năm 2023, Cơ sở sản xuất giò chả Hường Quý được Văn phòng NTM huyện Lộc Hà, chính quyền địa phương khuyến khích, động viên, hỗ trợ nên đã mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị, nâng cấp nhà xưởng, sản xuất theo hướng hiện đại và xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3 sao vào cuối năm.
Nếu trước đây cơ sở của anh Quý chỉ làm 10 – 15 kg nguyên liệu/ngày thì nay đã tăng lên gấp đôi; sản phẩm mở rộng thị trường đến nhiều tỉnh, thành như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng... Để đảm bảo hoạt động sản xuất, ngoài các thành viên trong gia đình, cơ sở còn tạo việc làm cho 3 - 7 lao động địa phương.
Anh Quý phấn khởi khoe: “Từ ngày sản phẩm giò lụa được công nhận OCOP 3 sao, lượng hàng bán ra tăng 55 - 60%. Từ tết Nguyên đán 2024 đến nay đã bán được trên 2 tấn sản phẩm; riêng dịp tết phải huy động 7 công nhân làm cả ngày lẫn đêm để có thể đáp ứng nhu cầu thị trường từ 1 – 1,5 tạ giò lụa/ngày.
Với tiến triển này, năm nay cơ sở dự tính sẽ sản xuất khoảng 11 tấn sản phẩm, cho doanh thu gần 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận 20%; năm 2025 phấn đấu sản xuất 13 tấn sản phẩm, doanh thu hơn 1,8 tỷ đồng, lợi nhuận gần 400 triệu đồng”.
Chị Lê Thị Mến (thôn Quang Trung, xã Thịnh Lộc) cho biết: “Tôi chuyên bán bánh mỳ, xôi cùng các loại đồ ăn sáng khác cho học sinh, giáo viên và người dân trong vùng. Để phục vụ khách hàng, lâu nay tôi nhập giò lụa và các loại sản phẩm khác của Cơ sở sản xuất giò chả Hường Quý (khoảng 5 – 8 kg/ngày). Đồ ăn có dùng giò lụa Hường Quý khách hàng rất thích vì thơm ngon, chất lượng”.
Ông Phan Bá Ninh – cán bộ Văn phòng NTM huyện Lộc Hà cho biết: “Sản phẩm giò lụa của Cơ sở sản xuất giò chả Hường Quý là sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao đầu tiên của xã Thịnh Lộc và là sản phẩm giò chả duy nhất trên địa bàn huyện có được vinh dự này. Chúng tôi đang quan tâm động viên, hỗ trợ để cơ sở này phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường và phấn đấu đạt chuẩn OCOP 4 sao vào năm 2025”.