Xuất khẩu sản phẩm sợi của Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh năm 2017 tăng 30,43% so với năm ngoái.
Xuất khẩu năm 2017 tăng trưởng cao so với năm trước chủ yếu từ sản lượng thép xuất khẩu của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh). Sau sự cố môi trường biển, tỉnh đã phối hợp các bộ, ngành, Trung ương chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt việc khắc phục vi phạm, đôn đốc kiểm tra, giám sát, nỗ lực lớn đưa Nhà máy thép Formosa hoạt động trở lại. Cộng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, tháng 6/2017, Formosa đã cho ra lò mẻ thép cuộn đầu tiên. Đến nay, công ty đã xuất bán hơn 1,5 triệu tấn gang lỏng và phôi thép, tổng giá trị đạt hơn 100 triệu USD.
Bên cạnh sự bứt phá mạnh mẽ của “ông lớn” Formosa, xuất khẩu thủy sản cũng có nhiều tín hiệu tích cực khi Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh lần đầu tiên xuất khẩu thành công 18 tấn tôm đông lạnh sang thị trường Malaysia.
Ông Trần Đình Nam - Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh cho biết: “Ngoài việc mở rộng thị trường ở lĩnh vực tôm thẻ chân trắng, năm 2017, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh cũng đẩy mạnh xuất khẩu đối với sản phẩm truyền thống sushi (mực) sang thị trường Nhật Bản. Tổng giá trị xuất khẩu của công ty đạt gần 6 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. Con số này không chỉ đánh dấu thắng lợi của công ty chúng tôi mà còn cho thấy sự phục hồi của kinh tế biển sau hơn 1 năm xảy ra sự cố môi trường”.
Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh năm nay đón nhận nhiều tín hiệu vui khi tôm thẻ chân trắng lần đầu tiên “xuất ngoại”.
Ngoài ra, những “tín hiệu vui” từ thủy sản, mặt hàng nông sản cũng đón nhận nhiều đơn hàng xuất khẩu. Ông Nguyễn Xuân Đường - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Ngọc Đường (Nghi Xuân) chia sẻ: “Thị trường Trung Quốc mở cửa “đón” lạc nhân Việt Nam nên vụ lạc vừa qua, công ty đã dồn hết nguồn vốn thu mua lạc nhân tại các địa phương trong tỉnh để xuất khẩu. Năm nay, chúng tôi đã xuất hơn 1.400 tấn lạc nhân, trị giá hơn 42 tỷ đồng”.
Trong cán cân xuất khẩu năm nay, các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như: Chè, sợi, dệt may… cũng đạt mức tăng trưởng khá. Theo đó, giá trị xuất khẩu chè tăng 13,64%, sợi tăng 30,43%, hàng may mặc tăng 67,45%… Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Hà Tĩnh là các nước Đông Nam Á (sản phẩm thép), Trung Quốc (sản phẩm sợi), Trung Đông (sản phẩm chè), Nhật Bản (sản phẩm thủy sản và hàng may mặc)…
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho hay: “Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cán mốc 274 triệu USD, tăng 92,27% so với năm 2016, cho thấy gam màu tươi sáng trong bức tranh kinh tế của Hà Tĩnh, nhất là sau sự cố môi trường biển. Trong đó, ngành công nghiệp có sự tăng trưởng vượt bậc và các lĩnh vực khác đều có tín hiệu khả quan. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với đó là sự triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách của tỉnh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động SXKD”.