Các đại biểu tham dự hội thảo
Sáng nay (16/5), Sở KH&CN Hà Tĩnh và Viện KHKT Nông nghiệp Bắc Trung Bộ tổ chức hội thảo sản xuất, chế biến lúa gạo theo hướng hữu cơ tại huyện Đức Thọ.
Vụ xuân 2018, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ được triển khai tại xã Yên Hồ (Đức Thọ) với diện tích 10 ha, sử dụng giống P6 và phân bón hữu cơ vi sinh. Đến nay, diện tích lúa hữu cơ phát triển tốt, đã bắt đầu cho thu hoạch.
Sau gần 4 tháng triển khai, 10 ha lúa thuộc dự án sản xuất và chế biến lúa gạo theo hướng hữu cơ tại huyện Đức Thọ đã bắt đầu cho thu hoạch.
Theo tính toán của Viện KHKT Nông nghiệp Bắc Trung Bộ, giống lúa P6 được sản xuất theo hướng hữu cơ có thời gian sinh trưởng tương đương với sản xuất theo phương pháp truyền thống. Do không sử dụng phân hóa học, lúa hữu cơ ít nhiễm bệnh đạo ôn hơn.
Về năng suất, lúa hữu cơ cho năng suất thấp hơn lúa truyền thống 1,19 tấn/ha, song, giá bán cao hơn nên hiệu quả kinh tế cao hơn khoảng 4,6 triệu đồng/ha. Về mô hình chế biến và tiêu thụ gạo sạch – an toàn, doanh nghiệp chế biến cho lợi nhuận 3 triệu đồng/tấn lúa, cao hơn chế biến lúa truyền thống 1 triệu đồng/tấn lúa.
Nông dân Nguyễn Văn Phương (xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ): Lúa hữu cơ dễ làm, năng suất tương đương lúa truyền thống, ít tốn kém chi phí thuốc bảo vệ thực vật, giá bán lại cao hơn nên người dân có thêm thu nhập.
Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao tính hiệu quả của mô hình sản xuất lúa hữu cơ. Trong đó, người dân bày tỏ phấn khởi khi cây lúa hữu cơ dễ sản xuất, chi phí thấp (do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật).
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Nguyễn Hữu Ngọc: Mô hình cần được tiếp tục triển khai trong vụ hè thu, sau khi tổng kết, đánh giá có hiệu quả cao, trung tâm sẽ tổ chức nhân rộng.
Một số đại biểu cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu trong tương lai. Mô hình cần được tiếp tục thử nghiệm trong vụ hè thu để đánh giá, tổng kết toàn diện hơn, nếu hiệu quả cao, nên tổ chức nhân rộng. Để đảm bảo hiệu quả, mô hình sản xuất lúa hữu cơ cần phải liên kết với doanh nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.