Thời tiết mưa phùn, nhiệt độ thấp trong nhiều ngày đang ảnh hưởng đến quá trình trổ bông của lúa xuân.
Từ tối ngày 16/4, Hà Tĩnh bắt đầu có mưa dông và trời chuyển rét. Mưa kéo dài trong 3 ngày khiến cho ông Nguyễn Anh Vinh ở thôn Liên Hà, xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) chẳng thể yên trong lòng vì 4 sào lúa xuân chuẩn bị bước vào kỳ trổ bông.
“Hằng năm vào tiết thanh minh, thời tiết vẫn thường chuyển rét ít hôm nhưng năm nay nhiệt độ giảm khá nhiều, chỉ khoảng 18 - 19 độ C, lại có mưa dầm nên những diện tích lúa xuân trổ bông vào giai đoạn này sẽ không phơi mau (phấn của bông lúa khi bắt đầu trổ) được, lúa dễ bị lép hạt. Ở trong nhà mà cứ lo lúa ngoài ruộng, mưa trong giai đoạn trổ bông không chỉ làm lép hạt, thời tiết ẩm ướt sẽ là môi trường có các loại nấm, vi rút gây bệnh, nhất là bệnh đạo ôn cổ lá, cổ bông đang rình rập phát sinh” - ông Vinh cho biết.
Ông Nguyễn Anh Vinh - thôn Liên Hà, xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) kiểm tra tình hình sinh trưởng của lúa sau những ngày mưa rét.
Một số diện tích lúa xuân ở thôn Liên Hà, Liên Thanh (xã Thạch Hạ) đã trổ bông với tỷ lệ khá cao, có những ruộng đạt khoảng 70 - 80%. Phần lớn đây là những diện tích gieo cấy không tuân thủ lịch thời vụ của ngành chuyên môn.
Tại xã Mai Phụ (Lộc Hà), thời điểm này, toàn xã có gần 75 ha lúa xuân đã trổ bông (chiếm 90% diện tích toàn xã), trong đó, có khoảng 10 ha trổ trong 2 ngày 16 - 17/4, trùng vào hai ngày mưa rét. Ông Đào Anh Văn - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Do vùng sản xuất không chủ động tưới tiêu nên tập quán của bà con nông dân vẫn thường làm trước lịch thời vụ để tranh thủ nguồn nước tự nhiên. Trong những ngày tới, nếu thời tiết trở lại nắng ấm thì khả năng không gây ảnh hưởng quá lớn, song điều chúng tôi lo nhất là bệnh đạo ôn cổ bông và bạc lá đang có xu thế phát triển. Hiện, toàn xã đã có 0,3 ha bị nhiễm cả hai loại bệnh, xã đang chỉ đạo các thôn bám sát tình hình, phun phòng trừ để tránh lây lan trên diện rộng ở giai đoạn sinh trưởng quan trọng này”.
90% diện tích lúa xuân ở xã Mai Phụ (Lộc Hà) đã trổ bông.
Không chỉ ở xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh), xã Mai Phụ, Thạch Châu (Lộc Hà) mà hầu như tất cả các địa phương đều đã có diện tích lúa trổ bông.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, toàn tỉnh có 2.236 ha lúa xuân đã trổ, trong đó, nhiều nhất là tại: Đức Thọ (970 ha); Nghi Xuân (400 ha); Thạch Hà (347 ha); Kỳ Anh (139 ha); Lộc Hà (120 ha); Can Lộc, Vũ Quang (100 ha/huyện)… |
Thời tiết xấu trong những ngày vừa qua đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình trổ bông, phơi mau của lúa. Trong đó, ước tính khoảng 30% diện tích đã trổ bị ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của bông. Ngoài ra, tại Vũ Quang, có đến 70 ha lúa xuân ở giai đoạn làm đòng bị ngập úng do mưa lớn.
Tại Vũ Quang, đợt mưa lớn khiến 70 ha lúa vào thời kỳ làm đòng bị ngập úng.
Từ thời điểm này, tình hình bệnh đạo ôn cổ bông sẽ diễn biến phức tạp hơn do thời tiết mưa ẩm suốt nhiều ngày liền sẽ “kích hoạt” nguồn bệnh sẵn có trên đồng ruộng, tiếp tục phát sinh và lan rộng. Bên cạnh đó, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn sẽ tiếp tục “đột kích”, gây hại lúa ở kỳ sinh trưởng quan trọng nhất vụ sản xuất này.
Trên thực tế, đợt mưa vừa rồi đã cung cấp một lượng đạm tự nhiên cho những diện tích lúa chuẩn bị bước vào kỳ trổ bông, đồng thời cấp nước ở những vùng cao cạn như: vùng cao ở Hương Khê, vùng bãi ngang Thạch Hà, vùng không chủ động tưới ở Lộc Hà, Nghi Xuân…
Tuy nhiên, đối với những diện tích đang vào kỳ trổ bông thì có bị ảnh hưởng đến kết quả cuối vụ. Điều đáng lo ngại nhất sau đợt mưa rét vừa qua là nguy cơ bùng phát nhiều loại sâu bệnh, đặc biệt là đạo ôn cổ bông, khô vằn, rầy nâu và rầy lưng trắng.
Ngành khuyến cáo đến từng địa phương, tiếp tục theo dõi và gấp rút tổ chức phòng trừ. Ở những vùng nhiễm, vùng nguy cơ và trên các giống nhiễm, cần phun phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông trước kỳ trổ bông của lúa từ 5 - 7 ngày. Tại một số diện tích bị ngập úng, cần tập trung tiêu thoát sớm, tránh để lúa bị ngâm quá lâu trong nước.
Tin liên quan: