Sau Hong Kong, Hà Lan và Bỉ cũng báo cáo các ca tái nhiễm Covid-19. (Ảnh minh họa: Reuters)
Thông tin này được đưa ra sau khi các chuyên gia ở Hong Kong (Trung Quốc) thông báo trường hợp một người đàn ông tái nhiễm Covid-19 sau 4 tháng rưỡi được chữa khỏi nCoV, là ca tái nhiễm đầu tiên trên thế giới được xác nhận.
NOS dẫn lời chuyên gia về virus Marion Koopmans thuộc Trung tâm y tế Erasmus của Hà Lan cho biết bệnh nhận người Hà Lan là một người lớn tuổi bị suy giảm hệ miễn dịch.
Theo bà Koopmans, thông thường, người mắc Covid-19 tái dương tính sau một thời gian khỏi bệnh chỉ là do “tàn dư”, là các mảnh virus còn sót lại trong cơ thể. Mảnh virus lúc đó không còn hoạt động. Kết quả dương tính lần thứ hai phần nhiều do độ nhạy của kit xét nghiệm.
Tuy nhiên, các ca tái nhiễm thực sự, như trong trường hợp bệnh nhân ở Hong Kong, Hà Lan và Bỉ mới đây, đòi hỏi các chuyên gia phải giải mã toàn bộ chuỗi gen của hai chủng virus SARS-CoV-2 được phân lập từ mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân trong hai lần mắc bệnh để xem liệu họ có phải đã mắc hai chủng virus corona khác nhau hay không.
“Việc một ai đó sẽ tái nhiễm không khiến tôi lo lắng. Chúng ta phải xem liệu điều này có xảy ra thường xuyên không”, bà Koopmans nói, lý giải rằng kịch bản có bệnh nhân tái nhiễm đã được các chuyên gia nghĩ đến.
Về phía bệnh nhân người Bỉ, anh này chỉ có các triệu chứng nhiễm Covid-19 nhẹ, NOS dẫn lời nhà virus học Marc Van Ranst cho biết. Nhưng “đó không phải là tin tốt”, Giáo sư này nói thêm.
Ông Ranst cho biết trường hợp này cho thấy các kháng thể mà cơ thể bệnh nhân phát triển trong lần tiếp xúc đầu tiên với virus SARS-CoV-2 không đủ để ngăn ngừa sự lây nhiễm lần thứ hai với một biến thể hơi khác của virus này.
Giáo sư Ranst cho hay, không rõ những trường hợp tái nhiễm như vậy có phải là hiếm hoặc liệu có thể “có nhiều hơn nữa các ca tái nhiễm sau 6 hoặc 7 tháng được chữa khỏi hay không”.
Với trường hợp bệnh nhân tái nhiễm ở Hong Kong, ở lần nhiễm thứ 2, bệnh của anh đã này nhẹ hơn lần đầu, hoàn toàn không có biểu hiện triệu chứng bệnh.