Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến các gia đình có nạn nhân tử vong và bị thương nặng trong vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xẩy ra vào ngày 2/1/2019 tại tỉnh Long An.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các tỉnh, thành phố tập trung cao độ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đảm bảo trật tự ATGT, đặc biệt là tập trung tăng cường công tác tuần tra kiểm soát 24/24h nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ TNGT, nhất là trong dịp Tết nguyên đán và Lễ hội xuân đầu năm 2019.
Điểm cầu Hà Tĩnh
Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, năm 2018, tình hình trật tự ATGT tiếp tục có chuyển biến tích cực; TNGT được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương.
Trong năm qua, toàn quốc xảy ra 18.736 vụ TNGT đường bộ, làm chết 8.248 người, bị thương 14.802 người; so với cùng kỳ năm 2017, TNGT giảm 1.348 vụ (-6,71%), giảm 33 người chết (-0,40%), giảm 2.238 người bị thương (-13,13%). Đây là năm thứ 2 liên tiếp số người chết do TNGT giảm xuống dưới 8.500 người.
TNGT đường sắt xảy ra 147 vụ, làm chết 119 người, bị thương 60 người; so với năm 2017 giảm 17 vụ (-10,37%), giảm 14 người chết (-10,53%). Đường thủy nội địa xẩy ra 83 vụ, làm chết 46 người, bị thương 6 người; so với năm 2017 giảm 16 vụ (-16,16%), tăng 1 người chết (+2,22%).
Các đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh
Hội nghị đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến TNGT như: đi không đúng phần đường, làn đường (25,42%); vi phạm tốc độ quy định (7,73%); chuyển hướng không quan sát (9,25%); vi phạm quy trình thao tác lái xe kém (6,29%); sử dụng rượu, bia (2,07%)…
Phương tiện gây tai nạn chủ yếu vẫn là xe mô tô, xe máy (60,25%), xe ô tô (33,5%). Đặc biệt trong năm 2018 cả nước đã xẩy ra 38 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm 137 người chết, 115 người bị thương.
Hà Tĩnh là một trong số các địa phương trong toàn quốc có TNGT giảm trên cả 3 tiêu chí (Ảnh: CSGT Công an TP Hà Tĩnh nhắc nhở người điều khiển ô tô bật đèn pha trong nội thành phố - Anh Tấn: 1/2019)
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, chỉ rõ những tồn tại, bất cập trong công tác đảm bảo ATGT như: Tình trạng bến cóc, xe dù diễn biến phức tạp, gây mất trật tự ATGT; xe chở quá tải, xe cơi nới thành thùng chở hàng quá tải có dấu hiệu tăng cao; ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn diễn biến phức tạp; công tác quản lý, khai thác vận hành tại một số dự án BOT chưa hợp lý dẫn đến bộ phận lái xe phản ứng tiêu cực, gây ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông…
Đặc biệt tình trạng các lái xe container, xe tải, xe khách đường dài còn sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn còn diễn ra khá phổ biến, thậm chí là còn có dấu hiệu gia tăng. Tuy nhiên công tác tes nhanh kiểm tra ma túy của ngành chức năng các địa phương đối với các lái xe vẫn chưa được thực hiện.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đề nghị các địa phương cần tập trung làm rõ những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân dẫn đến TNGT; bóc tách trách nhiệm thuộc về công tác quản lý, thuộc về ý thức, nhiệm vụ của lái xe, của người tham gia giao thông để có hướng giải quyết.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu, từ nay đến Tết nguyên đán, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về ATGT, trong đó các đơn vị chủ lực như: Ban ATGT, Công an, ngành GTVT và các địa phương tập trung tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, nhất là đối với xe khách, xe tải, xe container.
Các địa phương tăng cường kiểm tra tình trạng sử dụng nồng độ cồn, chất kích thích nhất là ma túy các loại đối với người điều khiển phương tiện nhất là đối với các lái xe đường dài như xe container, xe tải, xe khách…
Các đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh
Chỉ đạo tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương tất Thắng yêu cầu các ngành, các địa phương từ nay đến Tết Nguyên đán cần tập trung tất cả các nguồn lực, huy động tối đa lực lượng nhằm đảm bảo trật tự ATGT, nhất là vi phạm chở quá tải trọng, nồng độ cồn, quá tốc độ quy định, tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT tập kết vật liệu xây dựng trên lòng, lề đường.
Các lực lượng: Công an, thanh tra giao thông xử lý nghiêm tình trạng xe ô tô đưa đón học sinh đã quá niên hạn sử dụng mất ATGT, tình trạng học sinh điều khiển xe đạp điện không đội MBH, đi hàng 3, hàng 4 gây mất ATGT.
Ngành giáo dục, các nhà trường cần tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, công an các cấp để tập trung xử lý tình trạng học sinh vi phạm trật tự ATGT.
Riêng lực lượng công an, cần thành lập các tổ công tác xử lý tình trạng điều khiển phương tiện xe mô tô, gắn máy đi không đúng làn đường, phần đường trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; thành lập các tổ công tác để kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích đặc biệt là ma túy đối với lái xe đường dài như container, xe tải, xe khách đường dài.
Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường tuần tra kiểm soát tại các bến đò ngang, khu du lịch như: chùa Hương Tích (Can Lộc), đến Lê Khôi (Lộc Hà) trong thời điểm trước trong và sau Tết.
Phấn đấu trong dịp Tết nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm tình hình trật tự ATGT được kiềm chế, tiếp tục duy trì và kéo giảm TNGT xuống dưới 10% trong cả 3 tiêu chí trong năm 2019.
Tại Hà Tĩnh, năm 2018, xảy ra 137 vụ TNGT, làm 123 người chết, 74 người bị thương. So với năm 2017, giảm 12 vụ (-8%), giảm 14 người chết (-10,2%), giảm 8 người bị thương (-9,8%). Lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản, xử lý 46.390 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, phạt tiền 53 tỷ đồng; tước GPLX 4.935 trường hợp, tạm giữ 7.189 phương tiện (5.368 mô tô, 1.200 ô tô và 621 phương tiện khác). Cũng trong năm 2018, Viện kiểm sát nhân dân các cấp ở Hà Tĩnh truy tố 43 vụ, 44 bị can; Tòa án nhân dân 2 cấp đã xét xử 58 vụ, 59 bị cáo vi phạm trật tự ATGT đường bộ. |