Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 483 đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực phân bón đã được cấp giấy chứng nhận kinh doanh. Hàng năm, Sở NN&PTNT đã chủ động thanh, kiểm tra chất lượng hàng hóa phục vụ sản xuất theo quy định; đồng thời, phát hiện, xử lý các vi phạm kịp thời, nhằm kiểm soát việc phân bón giả, vật tư nông nghiệp kém chất lượng tràn vào địa bàn.
Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh quán triệt Nghị định 108
Tại hội thảo, các đại biểu đã được quán triệt rõ các nội dung quản lý về sản xuất, kinh doanh phân bón được quy định tại Nghị định 108, thay thế cho Nghị định 202/2013/NĐ- CP, bao gồm: công nhận, khảo nghiệm, sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu, quản lý chất lượng, ghi nhãn, quảng cáo, hội thảo và sử dụng phân bón ở Việt Nam...
Ông Nghiêm Sỹ Đông - Trưởng phòng NN&PTNT Đức Thọ: Những bài học về sản xuất giúp các cơ quan quản lý tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát về công tác cung ứng giống, cơ cấu, phân bón trên địa bàn.
Theo đó, phân bón sẽ bị hủy bỏ quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam khi có bằng chứng khoa học có nguy cơ cao gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường; phát hiện sử dụng tài liệu giả hoặc cung cấp thông tin không đúng với phân bón đề nghị công nhận lưu hành; phân bón đã được công nhận nhưng hết thời gian lưu hành...
Tại hội thảo, Sở NN&PTNT cũng trình bày, xin ý kiến đóng góp xây dựng đề án sản xuất vụ xuân 2018. Phần lớn đại biểu cho rằng, những thực trạng trong sản xuất, diễn biến thời tiết năm 2017 là bài học kinh nghiệm về quản lý nhà nước về sản xuất, cơ cấu giống và giải pháp né tránh thiên tai. Theo đó, đề nghị Sở NN&PTNT có phương án rõ ràng về cơ cấu giống chủ lực; phòng chống bệnh đạo ôn vào vụ xuân; siết chặt hơn nữa quản lý cung ứng giống, phân bón, thuốc BVTV…
Ông Nguyễn Văn Lý, Giám đốc chi nhánh Bắc miền Trung - Công ty CP giống cây trồng Trung ương: Vụ xuân 2018, công ty sẽ hợp tác sản xuất cánh đồng hàng hóa có quy mô 50 ha, bảo hành về năng suất, chất lượng...