Một số vảy tê tê và ngà voi bị nhà chức trách Singapore thu giữ hôm 21/7. (Ảnh: Jeremy Long)
Hải quan Singapore ước tính tổng giá trị kiện hàng là 66,2 triệu USD.
Trong thông báo ra hôm nay (23/7), Ủy ban Quản lý công viên quốc gia Singapore (Nparks) và Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và kiểm tra Singapore (ICA) cho biết container chứa mặt hàng cấm nằm trong kiện hàng được khai báo chở gỗ. Tuy nhiên khi kiểm tra, nhà chức trách phát hiện những chiếc túi đựng vảy tê tê và ngà voi.
8,8 tấn ngà voi trị giá 12,9 triệu USD được đóng gói trong 132 chiếc túi. Đây là vụ thu giữ số lượng ngà voi lớn nhất ở Singapore cho đến nay. Số lượng ngà voi này ước tính được lấy từ khoảng 300 con voi châu Phi.
11,9 tấn vảy tê tê trị giá khoảng 35,7 triệu USD được tìm thấy trong 237 túi hàng còn lại. Khoảng 2.000 con tê tê đã bị giết hại để tạo nên lô hàng này. Nparks cho biết đây đều là loài tê tê đất khổng lồ có nguồn gốc từ châu Phi.
Đây là vụ bắt giữ vảy tê tê lớn thứ 3 trong năm nay trong đó có 2 vụ cùng xảy ra trong tháng 4. Chỉ trong vòng hơn 3 tháng, tổng cộng có 37,5 tấn vảy tê tê trong các kiện hàng tới Việt Nam đã bị Singapore thu giữ.
Singapore được coi là điểm trung chuyển của hoạt động buôn lậu động vật hoang dã quý hiếm bất chấp chính phủ nước này nỗ lực ngăn chặn.
Chính phủ Singapore tham gia ký kết Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và nhiều lần tuyên bố quyết giữ vững cam kết ngăn chặn đường dây buôn lậu động vật hoang dã quý hiếm. Tê tê là loài được bảo vệ và hoạt động buôn bán thương mại quốc tế các loài tê tê đã bị cấm tuyệt đối theo quy định của CITES.
Tại Singapore, hình phạt tối đa cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và tái xuất khẩu bất hợp pháp động vật hoang dã là phạt tiền lên tới 500.000 đôla Singapore hay bị phạt 2 năm tù giam, hoặc thậm chí phải chịu cả 2 mức phạt trên.
Hành vi vận chuyển các loài động vật hoang dã bất hợp pháp hoặc các bộ phận, sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã qua Singapore cũng phải đối diện với những hình phạt tương tự.
Tê tê là loài động vật có vú thường bị săn lùng, giết hại và buôn bán nhiều nhất trên thế giới, mặc dù vảy của chúng, cũng như móng vuốt, đã được khoa học chứng minh là không có lợi ích y học nào.