VIDEO: Trưởng khoa Sản BVĐK Hà Tĩnh nói về việc sinh con “thuận tự nhiên”
Gần đây, mạng xã hội xôn xao trước thông tin 2 mẹ con một sản phụ ở TP Hồ Chí Minh tử vong do sinh con theo trào lưu “thuận tự nhiên”. Theo đó, sau khi tham gia một lớp tập huấn với giá 15 triệu đồng, người mẹ đã quyết định sinh con ở nhà mà không có sự trợ giúp của bất kỳ người thân hay chuyên viên y tế nào. Trong quá trình chuyển dạ, người mẹ kiệt sức, con bị ngạt, không được sơ cấp cứu kịp thời nên cả 2 mẹ con đã tử vong.
Trước sự hoang mang, phẫn nộ của người dân và cả đội ngũ y, bác sỹ, Bộ Y tế, các ngành chức năng đã vào cuộc và khẳng định câu chuyện đang lan truyền trên mạng xã hội về “sinh thuận tự nhiên” là không có thật. Tuy nhiên, đây vẫn là lời cảnh tỉnh đối với những người đã, đang và sắp làm cha, làm mẹ.
Ngành y tế Hà Tĩnh khuyến cáo, sản phụ không nên sinh con ở các trạm y tế xã mà đến các bệnh viện để được các bác sỹ chuyên khoa theo dõi, chăm sóc, phòng các tai biến sản khoa.
Dân gian lưu truyền câu: “Chửa đẻ - cửa mả”, ý nói rằng, trong quá trình mang thai, người phụ nữ có nguy cơ gặp nguy hiểm ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ. Thực tế đã cho thấy, những tai biến sản khoa luôn là những tình huống nguy hiểm nhất, có thể lấy đi sinh mạng của cả mẹ và con.
Bác sỹ Nguyễn Thị Thúy - Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh chia sẻ: Y học ngày càng phát triển, tỷ lệ mẹ và bé tử vong do tai biến sản khoa đã được hạn chế tới mức thấp nhất. Tại Hà Tĩnh, ngành y tế thường xuyên khuyến cáo các bà mẹ không nên sinh con tại trạm y tế (chứ chưa nói là tại nhà). Đây cũng là yếu tố quyết định để giảm thiểu những rủi ro do tai biến sản khoa gây ra.
Liên quan đến trào lưu cổ súy sinh con “thuận tự nhiên” trên mạng xã hội hiện nay, bác sỹ Thúy cho rằng, người dân, đặc biệt là các bà mẹ cần hết sức tỉnh táo và nên tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế. Sinh con “thuận tự nhiên” tại nhà không có sự theo dõi và hỗ trợ y tế có thể làm gia tăng nguy cơ 5 tai biến sản khoa, gồm: Băng huyết, nhiễm trùng, vỡ tử cung, sản giật, uốn ván rốn.
Hiện nay, chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy lợi ích của phương pháp này đối với sức khỏe trẻ sơ sinh, nhưng các nguy cơ cho sản phụ và trẻ là rõ ràng. Sau sinh, trẻ cần được tiêm vitamin K1 ngay để đề phòng xuất huyết não cũng như các vắc-xin theo chương trình tiêm chủng quốc gia.
Về việc chậm cắt dây rốn, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo và Bộ Y tế Việt Nam đã áp dụng chủ trương này vì những lợi ích mà chậm kẹp cắt dây rốn mang lại cho trẻ. Các lợi ích của chậm kẹp cắt dây rốn đã được chứng minh bằng các nghiên cứu khoa học lớn và có giá trị. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc không cắt dây rốn, để dây rốn và bánh rau gắn liền với đứa bé trong khi đang phân hủy tự nhiên, dẫn đến những nguy cơ về sức khỏe khi mà lợi ích của nó vẫn chưa được chứng minh.
Sáng 19/3, Bộ Y tế đã có công văn gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Bộ TT&TT đề nghị hỗ trợ, vào cuộc xác thực, xử lý những thông tin thất thiệt xung quanh phương pháp sinh con “thuận tự nhiên”. Bộ Y tế đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan quản lý xác minh, ngăn chặn và xử lý các tập thể, cá nhân truyền bá trái phép (nếu có) phương pháp sinh đẻ phản khoa học, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan báo chí cần hết sức cân nhắc khi đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, tạo dư luận xấu trong xã hội. |