Ngày mùng 6/2, xã Thạch Mỹ (Lộc Hà) phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên trong kỳ nghỉ tết. Từ đó đến nay, cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã chưa hề được nghỉ ngơi.
Sau tết Nguyên đán, trên địa bàn xã Thạch Mỹ (Lộc Hà) xuất hiện nhiều ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.
Bác sỹ Phan Quốc Thu - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thạch Mỹ cho biết: “Đến nay, xã Thạch Mỹ có mức độ dịch ở cấp độ 3, một số khu vực phức tạp đang phải phong tỏa tạm thời. Mỗi ngày, 5/6 cán bộ, nhân viên của trạm luôn phải “căng mình” làm việc hết công suất (1 người đang tạm nghỉ vì lý do sức khỏe); việc truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm... khiến chúng tôi phải nhiều đêm thức trắng".
Bác sỹ Phan Quốc Thu lấy mẫu cho người dân.
Lượng công việc quá nhiều nên ở Trạm Y tế xã Thạch Mỹ không có một “ngoại lệ” với bất kỳ ai, vì vậy, dù đang mang thai nhưng chị Lê Thị Hân vẫn phải trực thường xuyên. Mỗi ngày, chị tiếp đón, nhập dữ liệu của hàng trăm lượt công dân đến khai báo y tế, test nhanh COVID-19.
Chị Hân chia sẻ: “Không chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chúng tôi còn phải kết hợp tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng dịch, đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng”.
Dù đang mang bầu tháng thứ 7, chị Lê Thị Hân vẫn thường xuyên trực chống dịch.
Những ngày gần đây, phường Trần Phú (TP Hà Tĩnh) cũng đang là địa bàn “nóng” về dịch COVID-19 khi phát hiện hàng chục ca bệnh mới với hàng trăm F1. Ca dương tính đầu tiên kể từ dịp tết Nguyên đán xuất hiện trên địa bàn phường đúng vào đêm giao thừa khiến 5 nhân viên của Trạm Y tế phường Trần Phú gần như không có tết. Nhân lực ít nên phải chia thành 2 nhóm: một nhóm trực lấy mẫu, tiếp nhận khai báo y tế tại trạm; một nhóm đến tận nhà dân lấy mẫu, khảo sát điều kiện cơ sở vật chất và hướng dẫn cách ly tại nhà.
Các ca bệnh tăng cao, chị Bùi Thị Hà và các đồng nghiệp gần như không có tết.
“Trước tết, với những dự báo về diễn biến mới của dịch nên chúng tôi cũng đã xác định tâm lý phải “gác tết”, trực chiến. Quả thực như vậy, có những ngày, chúng tôi không còn ý niệm về thời gian nữa khi phải “căng mình” lấy mẫu, test cho hàng trăm người. Đến nay, số lượng công dân đến trạm vẫn không ngừng tăng nên chúng tôi vẫn phải tiếp tục trực 100% để thực hiện nhiệm vụ” - chị Bùi Thị Hà, nhân viên Trạm Y tế phường Trần Phú chia sẻ.
Các nhân viên Trạm Y tế phường Trần Phú phải ăn, nghỉ tại trạm để trực chống dịch.
Cuộc chiến chống dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, hiểm nguy luôn rình rập, đe dọa sức khỏe của các y bác sỹ, nhưng với tinh thần, trách nhiệm của mình, đội ngũ nhân viên y tế phường, xã đã phát huy vai trò của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Họ đã trở thành chỗ dựa, cánh tay nối dài của hệ thống y tế dự phòng. Có lẽ chưa bao giờ, nhân viên trạm y tế các xã, phường phải cùng lúc đảm nhận nhiều nhiệm vụ như trong cuộc chiến này.
Tập dượt qua các đợt dịch, hệ thống y tế cơ sở ngày càng trưởng thành, trở thành cánh tay nối dài của y tế dự phòng (Trong ảnh: Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm cho người dân xã Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên) sau dịp tết).
Bác sỹ Trần Hữu Lộc - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cẩm Thạch (huyện Cẩm Xuyên) cho biết: “Từ ngày 7/2 đến nay, cùng với sự hỗ trợ của các y, bác sỹ từ Trung tâm Y tế huyện và Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên, chúng tôi đã lấy mẫu cho hơn 2.000 người, phát hiện hơn 100 ca dương tính. Hầu hết các F0 điều trị tại nhà nên nhân viên y tế phải đến tận nhà hướng dẫn, thăm khám, điều trị và động viên tinh thần bệnh nhân. Dù vất vả nhưng ai cũng nỗ lực hết mình, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất”.
Nhân viên y tế xã Cẩm Thạch đến tận nhà hướng dẫn, kiểm tra tình hình điều trị của F0.
Đóng vai trò là người “gác cổng” khi phải tiến hành các thủ tục tiếp nhận ban đầu, khai báo y tế, sàng lọc thông tin người có nguy cơ cao, những vất vả, hy sinh thầm lặng của đội ngũ y tế cơ sở đã góp phần rất lớn vào cuộc chiến chống dịch thời gian qua. Và tất cả họ đều mong muốn, người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng dịch, góp phần cùng các lực lượng tuyến đầu đẩy lùi dịch bệnh.
Sau kỳ nghỉ tết, tình hình dịch bệnh ở Hà Tĩnh tiếp tục diễn biến phức tạp, đến nay, 8 xã, phường, thị trấn có mức độ nguy cơ cấp 3 và cấp 4. Điều này đặt ra cho hệ thống y tế cơ sở những áp lực không nhỏ, đòi hỏi các nhân viên y tế phải tiếp tục “căng mình” ứng phó, góp phần kiểm soát dịch hiệu quả. Đặc biệt, hiện nay, các trạm y tế xã, phường, thị trấn đang triển khai các phần việc để “Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà” theo Quyết định số 261/QĐ-BYT ngày 31/1/2022 của Bộ Y tế một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. |