Các cửa hàng hoa quả nhập khẩu vẫn “ăn nên làm ra” nhờ nhu cầu tăng mạnh của khách hàng.
Chị Trần Thị Hồng Ngọc - quản lý cửa hàng trái cây nhập khẩu Mr. Fruit - Hoa quả nhập khẩu số 1 Hà Tĩnh, chia sẻ: “Người tiêu dùng ngày càng hướng đến các loại trái cây chất lượng cao, xuất xứ từ những nước có ngành nông nghiệp tiêu chuẩn chất lượng. Chính vì vậy, mặc dù chúng tôi nhập hàng liên tục nhưng đôi khi vẫn không đủ phục vụ nhu cầu của khách hàng”.
Tương tự hoa quả nội địa, hoa quả nhập khẩu cũng vô cùng đa dạng nhưng khách hàng ưa chuộng nhất vẫn là các loại giàu dinh dưỡng như cherry, nho, táo, lê, cam, dâu, mãng cầu, măng cụt...
Với các loại trái cây nhập khẩu thuộc hàng “bình dân” như: táo gala Mỹ, gala New Zealand, quýt Úc, lê Hàn Quốc…, giá dao động từ 100 - 400 ngàn đồng/kg. Còn những loại thuộc dòng cao cấp như nho ngón tay, dâu, cherry, việt quất… thì giá bán cao hơn, dao động từ 500 ngàn đến hơn 1 triệu đồng/kg. Tuy giá không hề rẻ nhưng các cửa hàng vẫn “ăn nên làm ra” nhờ nhu cầu khách hàng tăng mạnh.
"Hàng ngoại" luôn được kiểm định khắt khe
Hiện nay, có rất nhiều cửa hàng cung cấp mặt hàng trái cây nhập khẩu, ngoài ra còn có nhiều cá nhân kinh doanh theo hình thức đặt hàng qua mạng. Với hình thức mua sắm online, giá cả thấp hơn đôi chút so với việc mua trực tiếp tại các cửa hàng. Để tăng tính cạnh tranh, liên kết, thu hút khách hàng, nhiều chủ kinh doanh online sẵn sàng tư vấn, giải đáp cách thức mua hàng, loại trái cây theo mùa cho khách hàng lựa chọn.
Anh Lê Quỳnh, chủ một trang mạng bán hoa quả nhập khẩu trên facebook cho hay: “Để tăng sự tương tác, phục vụ khách hàng tốt nhất, chúng tôi luôn cố gắng cập nhật, đưa những hình ảnh về trái cây đang bán một cách nhanh nhất. Đồng thời, ngoài sẵn sàng đặt hàng theo yêu cầu thì chúng tôi còn nhận giao hàng tận nơi cho khách”.
Tuy nhu cầu sử dụng hoa quả nhập khẩu ngày càng cao, nhưng người tiêu dùng vẫn “lăn tăn” về chất lượng sản phẩm. Bởi, bên cạnh những sản phẩm chính hiệu, thị trường cũng tồn tại không ít hàng trôi nổi. Một trong những giải pháp an toàn cho người tiêu dùng đó là nắm bắt được mùa trái cây.
Mỗi loại trái cây ở các nước đều có mùa vụ riêng như chính vụ lê Hàn Quốc thường rơi vào tháng 5 đến tháng 10, cherry Mỹ vào vụ từ tháng 5 đến tháng 7, cherry New Zealand thu hoạch vào tháng 12 đến tháng 2 năm sau... Việc tìm hiểu này giúp người tiêu dùng mua được đúng nguồn gốc, mùa vụ.
Bên cạnh đó, khách hàng cũng nên tìm đến các cửa hàng uy tín và có quyền yêu cầu chủ cửa hàng cung cấp các giấy tờ liên quan đến thủ tục nhập khẩu sản phẩm như giấy chứng nhận chất lượng, khối lượng lô hàng của cơ quan quản lý nông nghiệp các nước, tờ khai hải quan khi xuất khẩu, giấy chứng nhận kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật khi nhập khẩu … để có thể kiểm chứng nguồn gốc sản phẩm trước khi chọn mua.