Hiện nay, lúa vụ xuân 2024 bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ, sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho thấy, bệnh đạo ôn đã và đang phát sinh gây hại trên các giống P6, Thái Xuyên 111, VNR20, NX30, ADI168..., tỷ lệ bệnh trung bình 3-5%, cục bộ 20-30%, diện tích nhiễm bệnh 15ha, nhiễm nặng 0,2ha, phân bố tại các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Thạch Hà, thị xã Hồng Lĩnh, Hương Khê, Cẩm Xuyên.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, thời tiết trong tháng 3, nền nhiệt độ trên toàn tỉnh ở mức thấp, thấp hơn trung bình nhiều năm, mưa nhiều hơn, trong đó 15 ngày đầu tháng liên tục có không khí lạnh ảnh hưởng nên nhiều ngày duy trì hình thái nhiều mây, ánh sáng yếu, ẩm độ cao.
Bên cạnh đó, thời kỳ này cây lúa phát triển mạnh về thân lá, hàm lượng đạm tích lũy trong cây cao và trùng với giai đoạn cao điểm gây hại của bệnh đạo ôn lá là các yếu tố thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại và có nguy cơ lây lan trên diện rộng, gây cháy lụi cục bộ một số diện tích nếu không tiến hành phòng trừ kịp thời.
Để chủ động phòng trừ, hạn chế thiệt hại do bệnh gây ra, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo Phòng NN&PTNT/phòng kinh tế, Trung tâm Ứng dụng KHKT và BVCT-VN, UBND các xã, phường, thị trấn phân công cán bộ bám sát thực tiễn sản xuất, thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo diễn biến tình hình bệnh đạo ôn; chú trọng kiểm tra, rà soát trên các giống nhiễm, các vùng có nguy cơ nhiễm bệnh; chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các biện pháp phòng trừ đến các hộ sản xuất, khuyến cáo sử dụng một trong các loại thuốc hóa học như: Beam 75WP, Kasoto 200SC, Angate 75WP, Flash 75WP, Kabim 30WP, Tricom 75WP, Filia 525SE, Bankan 600 WP, Grandgold 510WP, Bimson 750WP...; báo cáo diễn biến tình hình bệnh hại, kết quả phòng trừ về Sở NN&PTNT (qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh) vào thứ 4 hằng tuần.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn; phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm; phối hợp với các đơn vị cung ứng thuốc tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ đến các địa phương và người sản xuất.
Các địa phương cũng cần chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn, đặc biệt là hệ thống truyền thanh cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, tăng cường thời lượng phát thanh về diễn biến tình hình, kỹ thuật phòng trừ bệnh đạo ôn.
Sở NN&PTNT giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với các địa phương chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức phòng trừ kịp thời hiệu quả; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thuốc BVTV, kiểm tra chặt chẽ điều kiện kinh doanh, quảng bá thuốc trên địa bàn; tổng hợp, báo cáo diễn biến tình hình bệnh và kết quả phòng trừ tại các địa phương về Sở NN&PTNT.