Người dân thôn Quan Nam (xã Hồng Lộc) đang vận chuyển đất dư thừa để đắp đường nội đồng.
2 tháng qua, tất cả các thôn ở xã Hồng Lộc đã ra quân thực hiện chuyển đổi ruộng đất lần 3 (gần 529 ha, trong đó 39 ha đất màu, gần 490 ha đất lúa) gắn với công tác cải tạo mặt bằng đồng ruộng. Các thửa ruộng cao cưỡng (nhất là ruộng màu) và các bờ vùng, bờ thửa đã được máy móc san lấp, ủi bằng, hạ thấp độ cao để tiện lợi trong sản xuất. Các thửa ruộng ở vùng thấp trũng cũng đang được cải tạo, nâng độ cao để canh tác hiệu quả hơn.
Trong quá trình cải tạo đồng ruộng, sau khi đã lấp những thửa ruộng sâu, đắp đường nội đồng, làm kênh mương, toàn xã còn dư thừa khoảng 4.000 m3 đất. Hiện nay, đang có nhiều đống đất dư thừa được tập kết nằm rải rác nhiều nơi trên các cánh đồng của xã Hồng Lộc. Do vậy, người dân đang muốn được tự xử lý (chủ yếu là muốn bán) số tài nguyên này để vừa có tiền, vừa sớm “giải phóng” đồng ruộng.
Người dân địa phương tranh thủ lấy đất về để nâng vườn hộ.
Anh Đặng Hường (thôn Trung Sơn) phản ánh: Hầu hết các gia đình phải bỏ kinh phí để cải tạo ruộng, nhà ít thì 5 – 6 triệu, nhà nhiều thì lên đến gần 20 triệu. Vì vậy, sau khi sửa xong ruộng, đắp xong bờ là bà con muốn bán hết số đất dư thừa ngay để bù đắp các khoản chi phí đã bỏ ra và có thêm nguồn lực để tái đầu tư sản xuất cho vụ xuân sắp tới.
"Hiện nay, có một số chủ xe vận tải đến thương lượng với mức giá 250.000 đồng/xe tải 6 m3 (trong đó tiền máy múc hết 100.000 đồng, còn lại của chủ ruộng) nên bà con đang rất muốn được tự quyết định số đất dư thừa trên ruộng mình. Do suy nghĩ đất cải tạo trên ruộng mình là tài sản của mình nên khi chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tập trung quản lý, giám sát chặt, chưa cho sử dụng thì người dân có tâm lý sốt sắng” - anh Đặng Hường cho biết thêm.
Nhiều người dân lo lắng những ụ đất dư thừa nằm trên đồng ruộng sẽ gây lãng phí, ảnh hướng dến sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Thuận – Bí thư Chi bộ thôn Trung Sơn đề nghị: “Hiện nay, lượng đất dư thừa chất thành từng đống lớn ở nhiều nơi trên đồng ruộng của thôn. Điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy như cản trở quá trình cải tạo đồng ruộng, có thể ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất vụ xuân, dễ phát sinh các tình huống phức tạp (chở trộm, bán lén). Ngoài ra, những ụ đất này còn tạo nơi trú ngụ cho chuột bọ phá hoạt mùa màng. Vì vậy, bà con mong muốn các cấp, các ngành sớm có phương án xử lý phù hợp".
Những đống đất dư thừa đang chờ được vận chuyển đi nơi khác.
Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc Nguyễn Viết Bình khẳng định: “Xử lý đất dư thừa sau cải tạo ruộng đất là một trong những vấn đề phát sinh gây khó khăn, phức tạp trên địa bàn trong thời điểm hiện nay. Vì vậy, cùng với tập trung bảo vệ, quản lý, giám sát chặt chẽ thì chúng tôi đang gấp rút sử dụng số đất này để đắp đường nội đồng, mương thủy lợi tại chỗ và lề các đường dân sinh ven nơi cải tạo ruộng.
Chúng tôi cũng đang xây dựng phương án, kế hoạch sử dụng tài nguyên cụ thể để trình cấp, ngành có thẩm quyền phê duyệt, sau đó sẽ dùng đúng mục đích, đúng quy định. Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở Nhân dân không được tự ý đưa đi sử dụng vào mục đích riêng hay trộm bán ra ngoài địa bàn”.
Những đống đất dư thừa đang được chất đống ven khu dân cư ở thôn Yến Giang.
Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Hà Phan Tiến Dũng cho biết: “Chúng tôi đã nhắc nhở, chỉ đạo xã Hồng Lộc xây dựng phương án, kế hoạch sử dụng đất dư thừa cụ thể trước khi lấy đi sử dụng. Việc sử dụng số đất này phải đúng quy định, chỉ dùng cho việc bồi đắp ao hồ, vườn tược, đường sá, khuôn viên các công trình phúc lợi trong xã, tuyệt đối không được chở bán ra ngoài địa bàn”.