Vụ xuân 2024, gia đình chị Trần Thị Xanh và anh Phan Đình Hào (thôn 1, xã Hương Long, huyện Hương Khê) gieo cấy hơn 1 mẫu lúa giống TH3–7 và khang dân 18 tại cánh đồng Môn.
Vợ chồng trẻ dày công chăm bón nên cả mẫu lúa phát triển xanh tốt, đã trổ bông đúng thời vụ. Thế nhưng, ngày 14/4 vừa qua, chị Xanh ra thăm đồng thì phát hiện một số diện tích lúa bị héo bất thường.
Chị Xanh kể lại: “Khi chứng kiến ruộng lúa chỉ cách ngày thu hoạch chưa đến 1 tháng héo hon, ủ rũ, tôi như chết đứng giữa đồng, chỉ biết gọi điện thoại về cho người thân và báo cho trưởng thôn. Vài ngày trước cây bị khô bông nhưng vẫn còn rễ non (rễ màu trắng) nhưng thời điểm này, ruộng lúa dần cháy lá, không còn rễ non.
Ước tính có khoảng 8 sào (5 đám ruộng) bị ảnh hưởng, trong đó có 1 sào gần như mất trắng, 1 sào mất khoảng 50%; diện tích còn lại thì hiện tượng lúa chết khô theo lối dọc, rộng khoảng 1 m và dài hơn 100 m".
Theo lời chị Xanh, trước khi xảy ra hiện tượng này khoảng 2 tuần, gia đình có sử dụng thuốc trừ đạo ôn cổ bông và phòng bệnh lem lép hạt. Tuy nhiên, gia đình pha theo đúng liều lượng hướng dẫn và được đơn vị cung ứng thuốc được khẳng định, liều lượng đó không ảnh hưởng đến sức khỏe cây lúa.
Qua quan sát, cánh đồng lúa chết cháy của gia đình chị Xanh có nhiều dấu hiệu bất thường như: diện tích lúa bị chết chỉ tập trung ở gia đình chị Xanh; diện tích cháy không đều; một số đám cỏ liền kề cũng có hiện tượng cháy lá… Theo nghi ngờ của gia đình, rất có thể có người xấu dùng thuốc hóa học để phá hoại.
Nhiều người dân địa phương sau khi quan sát cũng đồng tình với quan điểm và cho rằng, hiện tượng lúa chết cháy giống như bị phun thuốc diệt cỏ.
"Để làm rõ sự việc bất thường, chúng tôi đã làm đơn trình báo với chính quyền địa phương. Ngày 15/4, một số cán bộ ngành nông nghiệp đã đến trực tiếp tại ruộng xem xét, lấy mẫu kiểm tra. Lực lượng công an cũng đã lấy mẫu, kiểm đếm diện tích thiệt hại. Hiện, gia đình đang rất hoang mang, lo lắng" - chị Trần Thị Xanh cho biết thêm.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hà Tĩnh, ở vị trí có diện tích lúa bị chết cháy, chân ruộng vẫn có nước, bùn nhão, không có dấu hiệu bị khô; bông lúa ngừng phát triển, cháy vàng thành từng đám, không đều; cá biệt một số đám, lúa đã chết khô như rơm...
Trong khi đó, toàn bộ diện tích lúa trên đồng Môn thuộc thôn 1, xã Hương Long đang phát triển bình thường.
Ông Trương Quang Thụy - Chủ tịch UBND xã Hương Long cho biết: "Sau khi nhận được trình báo của người dân, chúng tôi đã cử đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, cán bộ phụ trách lĩnh vực nông nghiệp và mời Trung tâm Ứng dụng KHKT& bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Khê trực tiếp đến kiểm tra tại hiện trường. Đoàn đã tổ chức lấy mẫu, gửi đến cơ quan chuyên môn phân tích, đánh giá để tìm nguyên nhân lúa chết. Khi có kết luận, chúng tôi sẽ thông báo ngay với người dân".
Qua đánh giá bằng cảm quan của cán bộ xã, rất có thể nguyên nhân lúa chết là do có tác động từ bên ngoài. Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu phức tạp, xã đã chỉ đạo lực lượng công an địa phương phối hợp lấy mẫu, tiến hành các bước điều tra.