Nghề chế biến hải sản khô tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều người dân Thạch Kim.
Vào những ngày đầu tháng 4, đi dọc con đường các thôn thuộc xã Thạch Kim, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những chiếc phên làm bằng nứa, tre phơi các loại cá biển với mùi thơm đặc trưng. Có hàng chục năm theo nghề chế biến hải sản, anh Bùi Văn Tịnh - chủ một cơ sở SXKD, chế biến hải sản khô ở thôn Long Hải cho biết: Thu nhập chính của gia đình dựa vào nghề chế biến hải sản khô. Mỗi năm, gia đình anh bắt đầu hoạt động từ tháng 4 và đến khoảng tháng 9 thì nghỉ. Dù làm trong nửa năm nhưng nguồn lợi đủ nuôi sống cả gia đình trong cả năm.
Bà Nguyễn Thị Hà cho biết: “Tôi không nhớ theo nghề này tự bao giờ, từ lúc sinh ra, bố đi biển, mỗi khi tàu về được mẻ cá lớn, mẹ tôi đưa một nửa đi bán, nửa còn lại bảo chúng tôi phơi. Cứ thế cho đến nay, hằng ngày, tôi vẫn làm công việc này để nuôi sống cả gia đình”.
Được biết, nghề chế biến hải sản khô ở Thạch Kim mang lại nguồn thu nhập chính cho gần 50 hộ dân thuộc 6 thôn, giải quyết việc làm cho hơn 120 lao động địa phương. Thế nhưng, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nghề chế biến hải sản khô ở đây còn gặp khá nhiều khó khăn như: nhãn hiệu, bao bì chưa có, hợp tác sản xuất ở các tổ chưa thực sự gắn kết với nhau, dẫn đến những rào cản trong quá trình xây dựng thương hiệu. Vì thế, sức cạnh tranh trên thị trường còn yếu. Chất lượng các sản phẩm của Thạch Kim không thua một sản phẩm cùng loại nào trên thị trường, song giá thường thấp hơn 1-2 giá.
Sản lượng hải sản khô chủ yếu được tiêu thụ nội địa và các vùng phụ cận của tỉnh.
Ông Biện Ngọc Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim, cho biết: “Nghề chế biến hải sản khô tại địa phương đã được hình thành từ rất lâu, gắn liền với quá trình đánh bắt hải sản của ngư dân. Các cơ sở chế biến nằm hai bên tuyến đường ven biển nên rất thuận lợi trong việc thu mua cũng như vận chuyển. Hiện địa phương có 50 hộ sản xuất và nhiều cơ sở kinh doanh, chế biến hải sản khô, chủ yếu là cá nục, cá cơm, tôm, mực và các loại hải sản khác được hấp chín, đưa ra phên phơi khô. Sản lượng hải sản khô trên địa bàn mỗi năm ước đạt trên 100 tấn, chủ yếu được tiêu thụ nội địa và các vùng phụ cận của tỉnh. Đặc biệt, nghề chế biến hải sản khô đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm người dân trên địa bàn”.
Để “tiếp sức” cho nghề chế biến hải sản khô, chính quyền địa phương cần hỗ trợ tập huấn cho các hộ và cơ sở kinh doanh về quy trình chế biến, bảo quản và an toàn vệ sinh thực phẩm; hỗ trợ cách áp dụng sản xuất sạch trong chế biến cá hấp; đặc biệt là tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Nếu giải quyết tốt những vấn đề này, tin rằng, nghề chế biến hải sản khô ở Thạch Kim sẽ phát triển mạnh trong tương lai, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho nhiều người dân.