Ông Trần Đức Tý và vợ Nguyễn Thị Cúc phản ánh những vấn đề băn khoăn, thắc mắc liên quan đến hồ sơ, nộp thuế khu đất ở của gia đình.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, phản ánh của ông Trần Đức Tý là thiếu cơ sở.
Trong đơn, ông Trần Đức Tý phản ánh việc chính quyền địa phương không tạo điều kiện để làm hồ sơ, thủ tục cấp bìa đỏ cho gia đình. Theo đó, năm 1992, ông được UBND xã Cương Gián cấp 1 sào đất ở (không cắm mốc) tại vùng Lu Cù, thôn Nam Mới. Năm 2003, khu đất được đo đạc, nộp tiền làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đến năm 2005 xã lại đòi cắt một phần diện tích để cấp cho các hộ khác thì mới được làm bìa. Do không đồng tình nên xẩy ra mâu thuẫn, việc đến nay chưa được giải quyết.
Gia đình ông Tý cũng bức xúc vì diện tích thường xuyên thay đổi bởi năm 1992 được cấp 1 sào (500 m2) nhưng năm 2003 đo chỉ còn 380,6 m2 và đến năm 2014 đo đạc lại thì diện tích thực tế lại tăng lên 570,6 m2 (thửa số 284, tờ bản đồ số 28).
Đặc biệt, để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích 570,6 m2 đang có hiện nay thì gia đình ông phải đóng số tiền rất lớn, không đúng quy định (theo thông báo lần 1 ngày 27/5/2019 của Chi cục Thuế huyện Nghi Xuân là hơn 250 triệu đồng; còn lần 2 ngày 15/7/2019 hơn 147 triệu đồng).
Bà Nguyễn Thị Cúc chỉ vị trí khu đất UBND xã Cương Gián đã cấp cho gia đình người có công từ lâu nhưng chưa được làm bìa đỏ
Trong quá trình xác minh sự việc, chúng tôi thấy không có bất cứ hồ sơ, tài liệu, nhân chứng nào chứng minh ông Tý được cấp 500 m2 đất ở vào năm 1992. Thay vào đó, trong hồ sơ lưu trữ có quyết định cấp đất ngày 2/10/1995 của UBND xã Cương Gián về việc cấp đất cho 5 hộ (đều là gia đình chính sách), trong đó có hộ ông Tý với diện tích bằng nhau là 325 m2.
Mặt khác, việc xẩy ra năm 2005 là xã yêu cầu ông Tý trả lại số diện tích ông đã cơi nới, lấn chiếm chứ không phải cắt bớt phần đất đã cấp cho gia đình ông trước đây nhưng ông Tý và các hộ có liên quan không chấp hành.
Thực tế cũng cho thấy, theo quyết định cấp đất năm 1995 thì diện tích đất ông Tý chỉ 325 m2, mặt tiền bám đường 22/12 dài 13m, chiều sâu 25m, cách tim đường 12m. Còn thực trạng hiện nay được thể hiện trên thửa đất số 284, tờ bản đồ số 28 thì khu đất này lớn hơn nhiều, với diện tích 570,6 m2.
Quyết định cấp đất của UBND xã Cương Gián cho các hộ người có công, trong đó có gia đình ông Tý và giấy nộp tiền của một số hộ (theo địa chính xã, ông Tý chưa nộp số tiền ban đầu này)
Trả lời các nội dung công dân phản ánh, ông Lê Văn Biện - cán bộ địa chính xã Cương Gián cho biết: “Không có cơ sở nào để nói ông Tý được cấp 500 m2 đất. Năm 2003, có đơn vị về đo đạc và được công dân chỉ sai thực địa (đo khoảng cách tim đường là 9m, trong khi quy hoạch là 12) nên sai lệch diện tích.
Còn việc năm 2005, xã yêu cầu cắt bớt, hoàn trả đất lấn chiếm mới được cấp bìa là đúng vì các hộ này đã cơi nới kéo dài về phía sau làm ảnh hưởng đến quy hoạch, chồng lấn số diện tích đã quy hoạch ở lối sau. Và việc phải xử lý xong đất lấn chiếm mới cấp bìa là việc phải làm".
Cũng theo ông Biện: "Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các gia đình chính sách theo quyết định ngày 2/10/1995 của UBND xã chậm là có thật nhưng không phải vì chính quyền không quan tâm, cán bộ địa chính tắc trách mà vì phải giải quyết dứt điểm số diện tích bị các hộ cơi nới, lấn chiếm, không chấp nhận hướng giải quyết của chính quyền.
Cũng chính vì việc này mà chúng tôi phải thay đổi quy hoạch, bố trí vùng đất mới cho các hộ ở lối 2, phải mãi đến năm 2014 mới tiến hành hợp thức hóa toàn bộ diện tích lấn chiếm để các hộ và ông Tý có diện tích lớn như hiện nay".
Bà Cúc chỉ vị trí (giữa vườn) mà gia đình bà cho rằng vào năm 2005 xã đòi thu hồi để cấp cho người khác một cách vô lý thực chất là đất cơi nới, lấn chiếm, được xã quy hoạch đất ở lối 2
Liên quan đến tiền sử dụng đất, ông Nguyễn Duy Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế Nghi Xuân cho biết: “Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của ông Tý chúng tôi căn cứ vào hồ sơ và phiếu chuyển thông tin địa chính từ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chuyển sang để tính. Còn phân loại vị trí nào, trong hay ngoài hạn mức... không phải chức năng của chúng tôi”.
Ông Võ Hà Phương - Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Nghi Xuân cho biết thêm: “Ban đầu, do toàn bộ khu đất 570,6 m2 của ông Tý nằm trên một lớp nên chúng tôi tính chung mức thuế của đất lớp 1 (lối 1) có mức gần 504 triệu đồng, sau khi thực hiện miễn giảm người có công thì số tiền phải nộp là gần 250 triệu đồng. Nhưng sau đó xét thấy điều kiện khả năng tài chính của ông Tý không thể thực hiện được, và để tạo điều kiện cho người tham gia cách mạng có đất ở nên chúng tôi đã tính lại theo phương thức chia thành lối 1 và lối 2 như quy hoạch năm 2005. Với cách tính này, ông Tý chỉ phải nộp hơn 147 triệu đồng".
Cũng theo ông Phương, trong số 325 m2 đất ở ông Tý được cấp năm 1995 thì đã có 250 m2 được giảm 90% tiền sử dụng đất (hạn mức tối đa đối với người có công), tương đương với số tiền được giảm gần 366 triệu đồng. Số tiền còn lại thì buộc ông Tý phải thực hiện theo quy định hiện hành.
Một phần nội dung trong thông báo nộp tiền sử dụng đất ngày 15/7/2019 của Chi cục Thuế huyện Nghi Xuân gửi ông Trần Đức Tý
Mặc dù phản ánh của ông Trần Đức Tý chưa thực sự khách quan, chính xác nhưng trong quá trình xác minh sự việc, chúng tôi nhận thấy sự việc kéo dài đã lâu, hoàn cảnh gia đình ông Tý còn gặp nhiều khó khăn, đang mượn nhà người thân để ở, bản thân ông Tý (người có công với cách mạng) tuổi đã cao, sức khỏe yếu... nên cần tuyên truyền giải thích thật rõ về chính sách cũng như những ưu đãi, đồng thời phải sớm giải quyết dứt điểm sự việc theo hướng hợp lý, hợp tình.
Để làm được điều này thì chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tạo điều kiện, giúp đỡ, hướng dẫn gia đình ông Tý các vấn đề có liên quan, nhất là cho vận dụng chính sách nợ tiền sử dụng đất để khắc phục khó khăn về tài chính, tránh bị xử phạt và phát sinh các phức tạp mới.
Mặt khác, gia đình ông Tý cũng cần tin tưởng, hợp tác để có thể thực hiện tốt nghĩa vụ và đảm bảo được quyền lợi của mình.