Trong thông tin cập nhật tiến độ sửa chữa, khắc phục sự cố trên cáp quang biển quốc tế Asia American Gateway - AAG, VNPT vừa cho biết, sự cố xảy ra ngày 12/10 vừa qua trên tuyến cáp biển AAG đã xác định được vị trí lỗi cáp là trên phân đoạn S1i. Phân đoạn cáp này có hướng kết nối từ Việt Nam đi HongKong.
Thông tin từ VNPT cũng cho hay, thời gian dự kiến để xử lý sự cố xảy ra trên tuyến cáp quang biển AAG là từ ngày 18/10 đến ngày 26/10/2017. Như vậy, so với kế hoạch dự kiến đã được Trung tâm điều hành tuyến cáp AAG thông báo tới các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam vào ngày 17/10, thời điểm cáp AAG được sửa xong bị kéo dài thêm 2 ngày.
VNPT cho biết thêm: “Theo lịch của đối tác quốc tế cung cấp, thời gian xử lý, khắc phục sự cố lỗi cáp trên phân đoạn S1i của tuyến cáp AAG có thể sẽ còn thay đổi, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết”.
Trước đó, như ICTnews đã đưa tin, trong thông tin gửi ngày 17/10/2017 tới các ISP tại Việt Nam có khai thác tuyến cáp quang biển AAG, Trung tâm điều hành tuyến cáp cho biết, tàu sửa chữa cáp đã được điều đến vị trí lỗi cáp trên tuyến AAG. Dự kiến, thời gian thực hiện mối hàn đầu tiên là 22h14 ngày 22/10/2017; mối hàn cuối cùng được thực hiện vào 17h14 ngày 24/10/2017 và hoàn tất việc chôn cáp vào tối 24/10/2017.
Sáng ngày 12/10/2017, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG gặp sự cố lần thứ tư trong năm 2017. Ngay trước đó, sáng 10/10/2017, một tuyến cáp quang biển khác là SEA-ME-WE 3 (SMW-3, hay còn gọi là tuyến cáp quang Đông Nam Á - Trung Đông - Tây Âu 3) cũng đã gặp sự cố.
Các sự cố xảy ra với AAG và SMW-3 vừa qua ảnh hưởng đến dung lượng băng thông Internet quốc tế của tất cả ISP tại Việt Nam đang khai thác trên các tuyến cáp biển này. Tuy nhiên, do đã khá quen với tình huống các tuyến cáp biển gặp sự cố nên ngay sau khi AAG và SMW-3 bị mất liên lạc, các ISP đều đã triển khai ngay phương án dự phòng để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.
Có tổng chiều dài 20.000 km và dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Được chính thức đưa vào vận hành từ tháng 11/2009, tuyến cáp quang biển AAG bắt đầu từ Malaysia và kết cuối tại Mỹ, với các điểm cập bờ tại Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Tungku (Bruney), Vũng Tàu (Việt Nam), Currimao (Philippines), South Lantau (Hong Kong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)... Nhánh cáp rẽ vào Việt Nam nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km.
Trong hơn 8 năm được đưa vào vận hành, tuyến cáp quang biển AAG đã nhiều lần gặp sự cố. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 cho đến nay, tuyến cáp biển này đã 4 lần gặp sự cố, lần lượt vào các ngày 8/1, 18/2, 27/8 và gần đây nhất là vào ngày 12/10/2017.
Với sự cố xảy ra trên tuyến cáp quang biển SMW-3 vào ngày 10/10, vào chiều ngày 13/10/2017, VNPT cho biết, nguyên nhân sự cố xảy ra sáng 10/10/2017 với tuyến cáp biển SMW-3 đã được xác định là do lỗi cáp tại vùng biển gần Trung Quốc; và dự kiến tuyến cáp quang biển SMW-3 sẽ được sửa chữa xong trong hôm nay, ngày 20/10/2017.
Tuyến cáp quang SMW-3 là một hệ thống cáp quang ngầm viễn thông được đưa vào sử dụng tháng 9/1999 và được hoàn thành vào cuối năm 2000. Được xây dựng bởi France Telecom và China Telecom, do Sing Tel quản lý, SMW-3 là tuyến cáp quang duy nhất đi theo chiều kết nối từ châu Á sang Ấn Độ, vào châu Âu, các tuyến còn lại đều đi theo hướng sang Châu Mỹ qua đảo Guam và Hawaii.
SMW-3 sử dụng công nghệ ghép bước sóng quang có dung lượng hệ thống là 320Gbps nối Việt Nam với 39 nước trên thế giới. Tại Việt Nam, tuyến cáp quang biển này cũng cập bờ tại Đà Nẵng.