Mở đầu hội nghị lấy ý kiến, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn cho biết, Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 18/6/2012, bắt đầu có hiệu lực từ 1/5/2013.
Đây là Bộ luật có vị trí đặc biệt quan trọng, điều chỉnh toàn diện mọi lĩnh vực quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tác động đến tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân, tạo lập hành lang pháp lý cho các chủ thể tham gia thị trường lao động. Sau 6 năm thực hiện, Bộ luật Lao động đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung.
Đối với dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Pháp lệnh hiện hành chưa bao quát được các đối tượng, việc thực hiện có một số vướng mắc, bất cập cần được kịp thời sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện tạo điều kiện cho người có công có cuộc sống ổn định…
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh: Trong dự thảo Luật lao động, cần xây dựng định mức lao động, thang lương cho người lao động phải phù hợp với đời sống thực tế.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đi sâu vào một số nội dung của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) như: Vấn đề mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; mở rộng khung thỏa thuận về thời gian làm thêm; tuổi nghỉ hưu; vấn đề tiền lương; về tổ chức đại diện người lao động; thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể; một số nội dung đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới; thời gian nghỉ tết âm lịch và bổ sung 1 ngày nghỉ 27/7 (Ngày Thương binh liệt sỹ); về tranh chấp lao động và đình công...
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Hà Tĩnh Trần Hậu Tám: Dự thảo Luật lao động sửa đổi và Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi cần phải bám sát với đời sống thực tế của các đối tượng như quy định thang lương, mức trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
Liên quan đến nội dung sửa đổi của dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, đa số các ý kiến cho rằng, dự thảo cần đặc biệt quan tâm đến việc cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết chính sách cho người có công với cách mạng, các thủ tục phải đảm bảo thuận lợi để người có công và thân nhân không gặp khó khi làm thủ tục hưởng các chế độ chính sách. Cần bổ sung thêm thân nhân người có công với đối tượng là cha, mẹ nuôi và con nuôi.
Các đại biểu nhất trí cao với việc bổ sung quy định vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác nhưng nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng và bảo hiểm y tế.
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn đánh giá cao các ý kiến góp ý và những kiến nghị của các đại biểu. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu, tổng hợp các ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức đối với Bộ uật Lao động (sửa đổi), dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét.
Dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều (tăng 2 chương, 11 điều so với Pháp lệnh hiện hành). Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 221 điều (giảm 21 điều so với hiện hành). |